"Theo lẽ thường, khi có vấn đề chính trị ở một quốc gia và mối lo ngại về tính mạng của một người, nếu họ đi qua biên giới đến quốc gia láng giềng, thì họ sẽ không bị đưa trở lại", lãnh đạo bang Mizoram, ông Zoramthanga nói.
Chính phủ liên bang Ấn Độ đã liên lạc với Mizoram nhưng chưa đưa ra hướng đi rõ ràng, nên họ chưa rõ sẽ cần làm gì với những người tị nạn, ông cho biết thêm.
Lãnh đạo bang Mizoram, ông Zoramthanga. (Ảnh: Reuters)
Zoramthanga cho biết: “Theo quan điểm nhân đạo, chúng ta phải cho họ thức ăn, nơi trú ẩn".
Chính phủ liên bang Ấn Độ đang quyết định việc liệu một số người có được gửi trở lại Myanmar hay không.
Trong nhóm này, một số cảnh sát Myanmar và gia đình đã tới bang Mizoram ở phía Đông Bắc Ấn Độ, tìm cách ẩn náu để tránh nhận lệnh của quân đội.
Chính quyền Myanmar tuần trước đã yêu cầu các quan chức ở Mizoram bắt giữ và trao trả 8 cảnh sát.
Myanmar và Mizoram có chung đường biên giới dài 404 km. Một con sông cạn hiện ngăn cách hai quốc gia ở một số phần. Điều này khiến người ta dễ dàng đi qua.
Khó ước tính chính xác có bao nhiêu người từ Myanmar đã đi vào Mizoram trong những tuần gần đây, nhưng ông Zoramthanga cho biết con số này có thể từ 20 đến 30.
Trong khi đó, một quan chức cảnh sát cấp cao ở Mizoram cho biết gần 100 người từ Myanmar, chủ yếu là cảnh sát và gia đình của họ, đã vượt qua biên giới.
Một số cảnh sát Myanmar bỏ trốn đã nói với các quan chức Ấn Độ rằng họ bỏ đi sau khi được lệnh sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình.
Tình hình có thể khiến Ấn Độ khó xử lý ngoại giao, do New Delhi có quan hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar, lực lượng mà họ hợp tác trong các hoạt động chống nổi dậy ở khu vực Đông Bắc.
Ông Zoramthanga nói các bộ lạc ở Mizoram có mối liên hệ văn hóa sâu sắc với những người đồng hương ở Myanmar. Ông là một thủ lĩnh phiến quân trước khi trở thành chính trị gia.