Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quán cháo đong đầy nghĩa tình ở TP.HCM, suốt 10 năm chỉ bán giá 1.000 đồng

(VTC News) -

Quán cháo "Về đây em" của cặp vợ chồng già tại quận 6, TP.HCM suốt 10 năm qua chỉ giữ giá 1.000 đồng một phần cháo trắng làm ấm lòng biết bao người lao động nghèo.

Gần 20 năm trước, ông Thái Công Minh và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã mở tiệm cháo "Về đây em" ở quận 6, TP.HCM. Đặc biệt là suốt 10 năm qua giá bán cháo ở tiệm của ông bà vẫn vậy, chỉ 1.000 đồng một phần cháo trắng.

"Về đây em" chỉ vọn vẹn chưa đến 10m2 nhưng khách ra vào nườm nượp.

"Về đây em" rộng chỉ vỏn vẹn chưa đến 10m2, phần nửa là nơi đặt bếp để nấu cháo, phần còn lại vừa đủ cho chiếc bàn dài với vài chiếc ghế để khách ngồi ăn. Tuy khá hẹp, nhưng lượng khách ra vào thường xuyên đã giúp vợ chồng ông Minh có thêm thu nhập nuôi 2 người con ăn học và trưởng thành.

Quán cháo nhỏ đưa gia đình vượt khó

Hồi ấy, khi vợ ông Minh sinh con thứ 2, khẩu phần ăn của gia đình từ đó cũng tăng lên, trong khi kinh tế lại khó khăn. Trong cơn bĩ cực, bà Phượng nghĩ ra cách kinh doanh và liền bàn với chồng.

“Mình có mặt bằng trước nhà, mình bày bán lặt vặt nấu cháo bán rồi bán thêm mấy món ăn kèm kiếm đồng ra đồng vào vừa có thể ở nhà chăm con”, bà Phượng kể lại. Và cũng từ đó ông Minh nghỉ việc phụ hồ để 2 vợ chồng mở quán bán cháo.

Trong thời buổi "bão giá", quán cháo 20 năm của cặp vợ chồng này chỉ với giá 1.000 đồng một tô cháo trắng, làm ấm lòng biết bao người lao động nghèo.

Quán cháo được vợ chồng ông Minh mở vào năm 2003, lúc mới mở bán mỗi bát cháo ở đây chỉ có giá 500 đồng. Năm 2012, do mệnh giá đó đã không còn được sử dụng phổ biến, vợ chồng ông Minh đã nâng giá cháo lên 1.000 đồng. Từ đó đến nay quán vẫn giữ nguyên mức giá.

Những món ăn kèm với cháo trắng như kho quẹt, dưa mắm, hột vịt muối… có giá dao động 2.000 - 10.000 đồng. Để có thêm thu nhập, ông bà còn lấy các loại thực phẩm từ quê lên để bán và tất nhiên giá cũng “rẻ bèo”, chỉ vài nghìn đồng.

"Ngày đầu quán ế ẩm lắm, ban đầu chỉ có mấy người nghèo gần đây ghé ăn nhưng rồi tiếng lành đồn xa ngày càng nhiều người biết đến và yêu quý nên lượng khách cũng tăng hẳn", bà Phượng nói.

Những vị khách quý, thân thuộc của vợ chồng ông Minh thường là công nhân, bán vé số, chạy xe ôm… Ai từng ăn qua quán này cũng đem lòng thương mến, rồi trở thành khách quen tuần nào cũng ghé.

Ông Minh châm thêm nước sôi vào nồi cháo để giữ độ sánh vừa phải.

Nói không lời thì mình nói dóc á chứ, có lời nhưng mà lời ít. Hồi xưa bán để kiếm tiền còn bây giờ chủ yếu bán vì vui thôi, giúp người lao động, sinh viên… đỡ phần chi phí ăn uống. Nhiều người nói mình bán từ thiện nhưng mà tui không có làm từ thiện, tui bán vì niềm vui”, ông Minh chia sẻ.

Suốt 10 năm giá không tăng nhưng tình cảm tăng dần

Mỗi buổi sáng, sau khi làm hết công việc nhà, ông Minh lại phụ vợ đi chợ mua hàng để chuẩn bị cho buổi bán hôm sau. Còn bà Phượng cặm cụi chuẩn bị những món ăn kèm như hột vịt, cải mặn, tép rim, cá kho.

Chú phải chịu khó đi tới chợ Bình Điền, quận 8 để lấy hàng. Nếu cô chú mua gần nhà thì mắc lắm, như mắm ở đây giá 75.000-85.000 đồng/kg rồi, trong khi đó chú mua ở chợ Bình Điền có 65.000 đồng thôi, nó dư mười mấy ngàn nhưng mà đỡ cho người ăn”, ông Minh cho hay.

Ngoài cháo, quán có các món ăn kèm như hột vịt muối, dưa cải muối, tép riu, kho quẹt... có giá từ 2.000 - 10.000 đồng.

Ông Minh nói thêm: “Tôi bán giá này để cho ai cũng có thể ăn, bản thân đã từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn giống họ và từ đó tôi muốn giúp họ có được bữa ăn no với giá rẻ nhất có thể. Hơn nữa, đây là nhà tôi nên cũng không tốn tiền thuê mặt bằng. Thực sự lụm từng đồng từng cắc nhỏ vậy thôi nhưng tôi vui lắm, thấy họ ăn xong khen lấy khen để mà ấm lòng”.

Trung bình mỗi ngày bà Phượng nấu khoảng 4kg gạo, tùy vào thời tiết mà nhắm chừng lượng khách. Từ 15h đến 21h hằng ngày, quán cháo nhỏ này lại đỏ lửa phục vụ cho những vị khách một bữa ăn ấm bụng, chất lượng và giá rẻ.

Khách từ mọi nơi tìm về quán cháo "Về đây em" rất đông, không kể giàu nghèo, bình dân hay sang trọng, vợ chồng ông Minh đều phục vụ tận tình.

Không phải ai cứ đến quán mua bao nhiêu là ông Minh sẽ bán bấy nhiêu. Ông Minh kể, có lần nghe vợ chồng ông bán cháo rẻ nên có người đến đặt gần 500 phần để ủng hộ nhưng ông Minh nhất quyết không bán. Ông sợ nếu tập trung bán 500 phần đó thì lấy đâu ra thời gian bán cho những người lao động nghèo

"Mình bán chủ yếu cho người ta ăn no với giá rẻ là vui lắm rồi. Bán quen giờ mà nghỉ là buồn, nên cứ cố gắng bán khi nào không nổi nữa thì thôi", ông Minh trải lòng.

Là khách ruột của "Về đây em", ông Huỳnh Cẩm Hùng (64 tuổi, ngụ quận 5) chia sẻ: "Tôi ở xa, nhưng thường một tuần ghé ít nhất 2 lần. Hương vị cháo ở đây rất lạ miệng, càng ăn càng thấy ngon, nó khiến tôi nhớ lúc khó khăn. Hơn nữa, giá ở đây cũng rẻ nữa, tôi ăn bao nhiêu năm trời mà vẫn vậy, không thay đổi gì".

Tuy nhà xa nhưng ông Hùng thường ghé ít nhất 2 lần/tuần.

Theo ông Minh, từ năm 2019 có nhiều người đến ăn rồi đăng lên mạng xã hội, nhờ vậy mà lượng khách ngày một đông hơn. Không phân biệt ai giàu ai nghèo quán cũng bán. Có những người hiếu kỳ đến ăn để cho biết cháo 1.000 đồng là như thế nào, cô chú cũng rất vui vẻ chào đón.

Đây là điểm lui tới của nhiều em học sinh sau giờ tan tầm.

Khi hỏi về mong ước của ông Minh trong tương lai, ông Minh giãi bày: “Tôi cũng đã 68 tuổi, vợ cũng đã 55 rồi, ở tuổi xế chiều, vợ chồng hay đau ốm, nếu con cái không nối nghiệp thì không biết ai duy trì quán cháo này. Lâu lâu về quê vài bữa nhiều khách quen hỏi thăm sao đóng cửa tôi vừa thấy vui mà vừa thương".

Ông Minh nói sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi không còn đủ sức nữa. Chỉ mong sao, ngoài kia có nhiều quán cơm, quán cháo nghĩa tình mọc lên nhiều hơn nữa để san sẻ với tất cả mọi người.

Hoàng Thọ - Hữu Hướng

Tin mới