Sarcosuchus sống trong kỷ Creta, cùng thời với khủng long. Chúng không phải tổ tiên trực tiếp của cá sấu hiện đại nhưng là họ hàng gần. Bề ngoài, Sarcosuchus khá giống với cá sấu Gharial của Ấn Độ, hiện nay đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Sinh vật khổng lồ này có hình dáng tương tự với cá sấu ngày nay nhưng nặng tới 8 tấn và dài khoảng 12 m, tương đương kích thước một chiếc xe tải.
Sarcosuchus từng sinh sống trên Trái đất cách đây 112 triệu năm và tập trung chủ yếu ở châu Phi và Nam Mỹ. Với kích thước khổng lồ cùng hơn 100 chiếc răng chi chít trong bộ hàm dài tới 1,8 m, nó được coi là loài săn mồi đáng sợ nhất thời bấy giờ.
Thậm chí, các nhà cổ sinh vật học còn cho rằng, khủng long hay có thể cả khủng long bạo chúa là thức ăn yêu thích của loài siêu cá sấu này.
"Khi trưởng thành, nó không khác gì một con quỷ. Nó có thể hạ bệ một con khủng long cổ dài cỡ lớn", các nhà cổ sinh vật học khẳng định và cho rằng, loài vật này có thể mất 50 - 60 năm để thực sự trưởng thành.
Video: Bộ hàm khổng lồ của Sarcosuchus
Các hóa thạch đầu tiên của loài sinh vật này được tìm thấy ở sa mạc Tenere của Nigeria vào năm 1964 với một hộp sọ không nguyên vẹn. Đến năm 1997 và 2000, nhóm các "thợ săn" khủng long nổi tiếng tại Đại học Chicago, Mỹ tiếp tục khai quật tại đây nhiều mảnh xương của loài cá sấu này.
Trong đó có 3 hộp sọ của cá sấu trưởng thành, mỗi chiếc dài gần 2 m, 3 hộp sọ của cá sấu chưa trưởng thành và rất nhiều loại xương khác. Trong số này, các nhà khoa học đã tập hợp được khoảng 50% của một bộ xương hoàn chỉnh. Đây được coi là bộ xương hoá thạch cá sấu khổng lồ nguyên vẹn nhất từ trước đến nay.
Ngày nay, các loài cá sấu hiện đại sống dọc theo những dòng sông ở châu Phi ẩn mình dưới nước, chộp lấy những động vật cỡ lớn như ngựa vằn và linh dương, kéo chúng xuống nước và xé ra nhiều mảnh.
Theo các nhà khoa học, ở thời tiền sử, Sarcosuchus có thể cũng tiêu diệt những con mồi của chúng theo cách tương tự.