Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quả sung to như quả vả ăn ngọt mát, giá tới 350.000 đồng/kg

Quả to bằng quả trứng vịt, chín có vị ngọt thanh mát, khác hoàn toàn vị sung Việt Nam nên sung Mỹ được nhiều người đặt mua dù giá đắt đỏ, tới 350.000 đồng/kg.

Hơn 8 giờ sáng, vừa vào facebook cá nhân để thông báo đã có 30 hộp sung Mỹ (15kg) về đến cửa hàng cho khách đặt mua, quay đi quay lại trong vòng nửa tiếng, toàn bộ số sung Mỹ của chị Trương Thị Mai - một đầu mối chuyên bán các loại quả độc lạ ở Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) - đã được khách khuân hết sạch.

Chị Mai cho biết, trên thị trường, cây giống sung Mỹ được bày bán khá nhiều. Thế nhưng, quả sung Mỹ thương phẩm thì rất ít cửa hàng bán vì nguồn cung của các nhà vườn rất hạn chế. Hiện chủ yếu các nhà vườn phía Nam trồng loại sung này, miền Bắc chưa có nhà vườn trồng cho quả thương phẩm.

Sung Mỹ đang được thị trường ưa chuộng với giá bán từ 300.000-350.000 đồng/kg .

“Đây là loại quả khá mới mẻ, ăn có vị rất đặc biệt, khác hoàn toàn với sung của Việt Nam”, chị Mai nói.

Nếu sung của Việt Nam chỉ bằng đầu ngón tay cái, có vị chát nên thường chỉ dùng làm món sung muối, thì sung Mỹ quả rất to, nhiều quả bằng nắm tay, nặng tới 2 lạng/quả. Đặc biệt, khi sung vừa chín ăn có vị ngọt thanh rất dễ ăn, chín tới bên trong sẽ chảy mật ra (giống như kiểu mật trong khoai lang) ăn sẽ ngọt đậm đà.

Một hộp sung 6 quả có giá 150.000-170.000 đồng, tùy trọng lượng. Tính ra, giá bán là 350.000 đồng/kg.

Dù loại sung này khá đắt đỏ nhưng khách lại mua về ăn rất nhiều. Lần nào sung về tới cửa hàng cũng hết ngay lập tức. Chị Mai cho hay, mới đầu chị còn nhận đặt hàng trước, nhưng rồi “vỡ trận”. Bởi, sung mỗi tuần chỉ về một lần, mỗi lần được 15-20kg. Trong khi, khách đặt mua ồ ạt, hàng về không đủ trả đơn lại phải hẹn khách lần sau.

 Loại sung này quả khá to, có quả nặng gần 2 lạng.

Thế nên, hai tháng nay, cứ có sung về chị mới thông báo để khách đặt mua luôn trong ngày, chị Mai chia sẻ.

Tương tự, chị Uyên Lê, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Bà Lê Chân (quận 1, TP.HCM) cũng thừa nhận, sung Mỹ đang là loại quả rất hot và được nhiều người đặt mua. Cửa hàng của chị luôn trong tình trạng cháy hàng.

Sung Mỹ này đắt gấp khoảng 15-20 lần sung Việt, với mức giá 300.000 đồng/kg. Khách muốn ăn phải đặt trước ít nhất 1-2 ngày.

Nguồn cung loại sung này trên thị trường chưa nhiều. Hiện đầu mối nhà vườn trên Đà Lạt chỉ cung cấp 2 lần mỗi tuần cho cửa hàng chị, số lượng ít nhiều tùy vào sung có chín rộ không. Ít thì về khoảng 10 kg, nhiều nhất cũng chỉ 15 kg

 Nguồn cung sung Mỹ trên thị trường hiện nay chưa nhiều. Thế nên, một số nhà vườn trồng sung Mỹ thường phải từ chối bớt khách.

Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Văn Tuyển, chủ của vườn sung Mỹ rộng 700m2 ở Lạc Dương (Lâm Đồng), cho biết, anh biết đến cây sung Mỹ từ năm 2008, 1 năm sau anh bắt đầu nhập giống về trồng thử. Kết quả, cây phát triển khá tốt nhưng ít quả.

Sau đó, anh chuyển sang nhập giống sung khác cũng của Mỹ về trồng thì sung cho quả nhiều hơn. Thế nên, hơn một năm nay, cây đã cho quả thương phẩm bán ra thị trường.

Sung Mỹ rất dễ trồng. Chúng là cây ưa khô (phù hợp trồng trong nhà kính), cần nhiều ánh sáng. Cây trồng khoảng 2 tháng bắt đầu bói quả, từ đó đến lúc quả chín mất khoảng 1 tháng.

“Sung Mỹ cho quả quanh năm. Tuy nhiên, vì là cây thích hợp với điều kiện khô, nắng nên thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau sẽ cho quả rộ nhất”. Anh Tuyển nói thêm, không giống sung Việt Nam cho quả theo chùm, sung Mỹ cho quả đơn. Cứ mỗi kẽ lá có một quả. Mỗi cây sung Mỹ cho từ 300-350 quả/năm.

Video: Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt tiêu thụ thế nào

Sung to bằng quả trứng vịt, trung bình khoảng 15-16 quả được 1kg. Khi sung chín, ăn có vị ngọt thanh mát rất đặc biệt. Quan trọng là, khi bổ ra, sung Mỹ không có côn trùng nên rất sạch.

Khoảng 3 tháng nay, vườn sung bắt đầu cho thu hoạch nhiều hơn với số lượng 15-20kg/ngày. Số sung thu hoạch được được anh phân phối cho các chủ hàng ở Đà Lạt, TP.HCM.

“Số hàng này chỉ đủ bán sỉ cho vài mối, với 1-2 lần/tuần”. Anh Tuyển chia sẻ, các mối lấy sung hiện đều là mối quen thân. Nhiều khách ở Hà Nội đăng ký lấy thường xuyên nhưng anh đều từ chối vì không đủ hàng. Thỉnh thoảng có đợt chín rộ, thu hoạch được nhiều anh mới gửi ra Hà Nội.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới