Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

PVTrans từng thuê đặc nhiệm Mỹ, Pháp chống cướp biển, bảo vệ tàu dầu

Có chuyến hàng, PVTrans phải thuê đặc nhiệm chống cướp biển của Pháp, của Mỹ đi bảo vệ tàu dầu, đối phó với cướp biển.

Năm 2010, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) là đơn vị khốn khổ nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đến mức chuẩn bị cho phá sản.

Vậy mà hiện nay, PVTrans lại là một trong 3 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ cao nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Năm 2018, PVTrans đạt doanh thu gần 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 534 tỷ… Đứng đầu trong khối vận tải biển của cả nước.

Lãnh đạo PVTrans đã chơi ván cờ tàn ấy như thế nào?                                                          

PVTrans là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực vận tải biển.

Trong lịch sử của các doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối, hình như chưa có đơn vị nào từ… suýt phá sản nay vươn lên dẫn dầu của cả nước trong một lĩnh vực. Và nếu có thì chỉ có ở PVTrans.

Vào khoảng năm 2010-2011, PVTrans đúng nghĩa là một “con tàu sắp đắm”: Nợ nần thì chồng chất, có 16 đơn vị thì 7 đơn vị làm ăn thua lỗ, 3 đơn vị phá sản, có đơn vị vốn pháp định là 362 tỷ đồng thì lỗ hơn 300 tỷ. Đã thế, thị trường vận tải biển lại lâm vào khủng hoảng trên toàn thế giới. Giá cước vận tải giảm thê thảm, thậm chí tiền thuê tàu chỉ đủ… mua dầu chạy máy. Có hãng vận tải nước ngoài còn chào gói cước chỉ đủ tiền cho thủy thủ ăn qua ngày!

Và trong tình cảnh ấy, đã có phương án cho PVTrans phá sản. Tuy nhiên, người làm dầu khí thì ai cũng biết các Tập đoàn khai thác dầu khí lớn đều phải có đơn vị vận tải riêng của mình. Vì nếu không chủ động được khâu vận chuyển thì hoặc là dầu khai thác lên không chở đi được, hoặc không chở dầu đến cho các nhà máy lọc-hóa dầu thì nguy hiểm vô cùng. Một nhà máy lọc dầu, chỉ cần thiếu dầu vài giờ đồng hồ là hậu quả sẽ khôn lường.

Cho nên, sống chết gì cũng phải giữ lại PVTrans. Và muốn đơn vị tồn tại (rồi mới tính đến phát triển) thì phải biết “xóa cờ, đánh lại từ đầu”, là ý chí của tập thể lãnh đạo mới của PVTrans.

Từ đầu năm 2011, việc đầu tiên phải thực hiện là tập trung chuyển từ quản lý toàn diện đến quản lý chung và xé nhỏ các đơn vị tàu.

Cách làm này là để tránh rủi ro, bởi đã có những tàu của PVTrans bị bắt siết nợ. Khi một con tàu bị như vậy thì cả công ty “chết theo”. Do đó, phải phân tán nhỏ lẻ và phải gắn trách nhiệm cho giám đốc các công ty.

Khi tổ chức lại theo mô hình này, thì phải tuyên chiến với lề thói cũ, đó là khi thắng lợi thì cho rằng “thành công này là do tôi, của tôi”, còn khi thất bại thì lại nói rằng “lỗi này là của chúng ta” - nghĩa là có công thì cá nhân hưởng, có tội thì tập thể chịu. Bây giờ thì không thể tiếp tục như vậy, việc gì cũng phải có một người chịu trách nhiệm đến cùng và dứt khoát phải tuyên chiến với kiểu “chịu trách nhiệm tập thể”, chấm dứt tình trạng cha chung không ai khóc.

Thêm vào đó, làm việc gì cũng phải có kiểm tra chéo. Tất cả phải hết sức minh bạch, đặc biệt là về mặt tài chính.

Chính những cải tổ mạnh mẽ, quyết liệt và rất hợp lý đó tạo nên sức bật mới cho PVTrans .

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để kiếm được công ăn việc làm cho anh em, bởi lẽ nếu không có việc thì nói gì cũng vô ích.

Trong tình cảnh bị dồn vào “bãi cạn”, lãnh đạo PVTrans tìm được con đường hướng ra biển, đó là vươn sang Trung Đông bằng nhiều con đường, chính thức và không chính thức, thậm chí phải nhờ các cơ quan ngoại giao và đặc biệt là sự hỗ trợ đến mức tối đa của Tập đoàn - Sự hỗ trợ ở đây không có nghĩa là về tài chính, mà là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và sự ủng hộ cho những cách làm mới, tư tưởng mới của PVTrans .

 PVTrans phải thuê đặc nhiệm chống cướp biển của Pháp, của Mỹ đi bảo vệ những chuyến tàu chở dầu sang khu vực Trung Đông.

PVTrans đưa được 3 tàu sang Trung Đông chở thuê. Cũng thật may mắn cho PVTrans vào thời điểm này, tình hình Trung Đông bất ổn, cùng với nạn cướp biển hoành hành nên nhiều hãng vận chuyển dầu thô lớn không dám chạy.

Thật đúng là cái họa của người khác có khi lại là cái may cho mình! Thế là đội tàu của PVTrans bất chấp hiểm nguy, lao vào thị trường Trung Đông. Giá cước vận tải cao gấp rưỡi, việc thì nhiều nhưng anh em luôn phải đối mặt với sự nguy hiểm rình rập mỗi khi tàu chở dầu chạy qua vùng “sừng” Nam Phi và eo biển Madagasca.

Có chuyến hàng, đơn vị phải thuê đặc nhiệm chống cướp biển của Pháp, của Mỹ đi bảo vệ. Các con tàu chở dầu của PVTrans được “quây” bằng dây thép gai và anh em luôn có phương án đối phó với cướp biển.

Không ít lần, bọn cướp biển xông đến, nhưng thấy tàu được bảo vệ quá kín, lại có các thủy thủ “lăm lăm tay súng”, nên chúng phải chuồn… Sau này mới biết, thủy thủ tàu dầu làm gì được trang bị súng mà tất cả chỉ là súng… đồ chơi!

Các con tàu chở dầu của PVTrans được “quây” bằng dây thép gai.

Thấy PVTrans có được các hợp đồng lớn ở nước ngoài, các ngân hàng lại “niềm nở” mời gọi cho vay tiền và đồng ý cho giãn một số khoản nợ trước đây.

Có tiền, có công việc, tư tưởng anh em dần dần ổn định. Với mô hình mới, cách quản lý mới, từ cuối năm 2013, PVTrans từng bước đi lên vững chắc. Nói một cách văn hoa, thì cuối năm 2012, PVTrans như người đi biển nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng trong đêm tối mịt mùng.

Năm 2012, PVTrans xử lý sạch các món nợ trước đây.

Năm 2013, có 300 tỷ đồng tiền lãi.

Năm 2014, lãi 400 tỷ đồng.

Và năm 2015, tính đến hết tháng 11, cũng lãi ngót nghét 500 tỷ đồng.

Và từ 2016 đến 2018, năm nào cũng lãi từ 500 đến 700 tỷ.

Giá cổ phiếu của PVTrans trên thị trường hiện nay thuộc vào nhóm “có máu mặt” và rất ổn định.

Năm 2018, đơn vị đã đạt con số kỷ lục về chỉ tiêu tài chính với doanh thu hơn 7.835 tỷ đồng (149% kế hoạch), tăng trưởng 23% so với năm 2017. Đặc biệt, trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của PVTrans tiếp tục được nâng cao khi mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế.

Ngoài cung cấp dịch vụ cho các khách hàng truyền thống, các đơn vị trong ngành dầu khí, PVTrans còn cung cấp dịch vụ cho rất nhiều đơn vị tư nhân, ngoài ngành. Điều đó khẳng định năng lực và giá cả rất cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải của PVTrans. 

Năm vừa qua cũng là lần đầu tiên PVTrans tham gia thị trường cung cấp tàu VLCC (tàu dầu lớn nhất thế giới) với 6 chuyến tàu VLCC vận chuyển dầu thô từ Kuwait về Việt Nam, đảm nhận khoảng 25% sản lượng cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Đây là tiền đề quan trọng để PVT ký kết các hợp đồng dài hạn và xây dựng tên tuổi trong thị trường vận tải tàu VLCC. 

Với kết quả ấn tượng ở hầu hết lĩnh vực hoạt động, cùng triển vọng phát triển bền vững, cổ phiếu PVTrans cũng trở thành một trong những cổ phiếu được quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

PVTrans được tổ chức Việt Nam Report đưa vào danh sách Profit 500 –  Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam và năm thứ 5 liên tục nằm trong danh sách VNR500 – 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với thứ hạng 143/500.

Năm 2018, PVTrans lần đầu tiên được tổ chức Forbes – tổ chức xếp hạng uy tín của Mỹ - lựa chọn vào danh sách Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng trong năm 2019 của PVTrans tiếp tục tích cực khi đơn vị hiện đang phối hợp với các đơn vị trong ngành Dầu khí trong việc vận chuyển toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm dầu đầu ra của NMLD Dung Quất; cùng với đó tận dụng cơ hội vận chuyển 25% sản lượng dầu thô đầu vào, 40% sản lượng dầu sản phẩm cho NMLD Nghi Sơn; tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế để khai thác tối đa năng lực đội tàu hiện có và tăng nguồn thu ngoại tệ.

Từ năm 2020 trở đi, khi hoạt động hết công suất, hàng năm NMLD Nghi Sơn sẽ đóng góp tích cực cho việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của PVTrans, qua đó giúp công ty đạt được mục tiêu tăng trưởng kép hàng năm EPS là 11,9%.

Sau 17 năm xây dựng và phát triển (27/5/2002 – 27/5/2019), trải qua những giai đoạn khó khăn khốc liệt nhất của thị trường vận tải biển, ngày hôm nay PVTrans trở thành đơn vị có thương hiệu vững chắc, có uy tín trên thị trường.

Xác định mục tiêu góp phần vào sự phát triển của ngành Hàng hải, ngành Dầu khí Việt Nam, trong thời gian tới, PVTrans sẽ tiếp tục củng cố, trẻ hóa đội tàu và nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực, giữ vững thị phần vận tải trong nước; đồng thời đẩy mạnh thương hiệu trên các thị trường quốc tế như Trung Đông, Tây Phi, Hàn Quốc, Nhật Bản… khẳng định vị thế là doanh nghiệp vận tải số 1 không chỉ tại Việt Nam mà còn là doanh nghiệp vận tải dầu khí có uy tín trong khu vực.

N.P

Tin mới