Sáng 2/4, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VII-năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi xanh”.
Việt Nam từng bước chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh
Tỉnh Phú Yên là địa phương thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, bờ biển trải dài hơn 189 km; có nhiều dải núi ăn sâu ra biển tạo nên các đầm phá, vũng, vịnh, cửa sông... Thời gian qua, tỉnh Phú Yên xác định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng biến đổi khí hậu khó lường hiện nay.
Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; quan tâm thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên phát biểu tại diễn đàn.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ Công Thương cập nhật 11 dự án điện mặt trời với tổng công suất 845,7 MWp và 13 dự án điện gió với tổng công suất 956 MW vào quy hoạch điện VIII. Hiện, 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 505,216 MWp đã hoàn thành phát điện.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, trong lĩnh vực môi trường, địa phương làm từ dễ đến khó. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch lĩnh vực môi trường, trong đó chú trọng xây dựng Tuy Hòa trở thành một trong những thành phố sạch nhất nước, thành phố ánh sáng vào ban đêm để tạo sự khác biệt và thu hút du lịch.
“Để thành công được trong chuyển đổi số hay trong môi trường, thì cái đầu tiên không phải là những cái gì nó quá cao xa mà đầu tiên là ý thức, cảm nhận của người dân và doanh nghiệp và chúng ta bắt đầu từ đó. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của Chính phủ, rồi đến ý thức của người dân và doanh nghiệp đều cùng hưởng ứng. Thế nên công tác tuyên truyền cho từng người dân, từng doanh nghiệp nâng cao nhận thức và hành động để thực hiện chuyển đổi số về vấn đề môi trường. Tôi cho rằng cái đấy là quan trọng nhất quyết định những vấn đề có thành công hay không”, ông Phạm Đại Dương nêu rõ.
Tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tổ chức tại Vương quốc Anh (11/2021), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Tại COP27, Việt Nam cũng đã thông tin tới quốc tế về giải pháp trọng tâm để thực hiện các cam kết khí hậu chính là chuyển đổi năng lượng.
Toàn cảnh diễn đàn.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, các bộ, ngành đã trình Thủ tướng ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí Metan, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí Carbon, phát triển lâm nghiệp bền vững.
Một số địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp: quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng đề án thí điểm trao đổi tín chỉ Carbon rừng; thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo; xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.
“Giảm phát thải khí nhà kính tức là việc chúng ta cam kết phải thực hiện bằng quy định pháp lý trong nước, cũng như cam kết cộng đồng quốc tế. Cam kết không phải mang tính chất phong trào, mà cam kết phải hết sức nghiêm túc và phải thực hiện”, ông Tấn cho hay.
Thay đổi nhận thức về chuyển đổi xanh
Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với các loại hình thiên tai cấp độ rủi ro cao. Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã chỉ ra sự liên quan của khí nhà kính với các cấp độ, diễn tiến của biến đổi khí hậu. Việc tăng nồng độ khí nhà kính gây ra hiệu ứng làm tăng nhiệt độ trái đất. Mức độ gia tăng khí thải nhà kính tỷ lệ thuận với cấp độ, tính chất của biến đổi khí hậu.
Tại Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VII- 2023, nhiều vấn đề cấp thiết được các đại biểu nêu ra, như chuyển đổi xanh, tuần hoàn xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, là bước chuyển quan trọng để bảo đảm bền vững quốc gia. Các đại biểu cho rằng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp ở vùng nông thôn và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (bên trái) dự diễn đàn.
Theo Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VII - năm 2023 sẽ giúp các cơ quan báo chí, nhà báo cập nhật nhiều kiến thức mới từ các diễn giả về các vấn đề thời sự, các chính sách, kiểm soát môi trường của đất nước cũng như là xu hướng của truyền thông. Nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, vấn đề môi trường là đề tài rất hay và sẽ được Đài Tiếng nói Việt Nam triển khai lâu dài trên các loại hình phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in.
“Diễn đàn này cung cấp được nhiều thông tin nền, thông qua các bài tham luận của các diễn giả, nhà quản lý, các nhà báo có kinh nghiệm, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Tôi nghĩ rằng việc duy trì như thế này rất có ích. Khi tham gia, các cơ quan báo chí có ý thức hơn nữa trong việc tổ chức các nội dung thông tin về đề tài Tài nguyên Môi trường vì phát triển bền vững, phát triển xanh là một lựa chọn tất yếu mà đất nước đang đi”, ông Phạm Mạnh Hùng nói.
Ban tổ chức tặng hoa cho các đơn vị đồng hành cùng diễn đàn.
Tại diễn đàn này, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẳng định quan điểm nhất quán về mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm thải phát thải, phát triển bền vững của ngành Tài nguyên và Môi trường. Ông Lê Công Thành mong muốn các bộ ngành, đoàn thể, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước tiếp tục chung tay thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra; truyền thông điệp và sứ mệnh, trách nhiệm của cơ quan báo chí và các nhà báo trong việc tuyên truyền mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, phát triển bền vững với giá trị cốt lõi: “Chuyển đổi xanh, phát triển xanh”.
“Chủ trương của Đảng đã rất rõ rồi. Các Nghị quyết đến các chương trình của Chính phủ cũng đã đầy đủ rồi. Nhưng cái cần nhất hiện nay là cần chuyển tải những nội dung về chuyển đổi xanh, phát triển xanh đến từng người dân, doanh nghiệp để thực hiện thành công việc chuyển đổi đó. Và quan trọng là phải đổi mới tư duy, triết lý phát triển từ đời sống đến kinh doanh để làm sao bắt kịp vào xu thế lớn của thế giới”, ông Thành khẳng định.