Thục Hạnh (26 tuổi, content creator - người sáng tạo nội dung) đáp chuyến bay đến Phú Quốc trong một ngày nắng đẹp. Xe của Premier Village Phu Quoc Resort đã chờ sẵn để đưa cô về Nam đảo. Thời tiết mát mẻ khiến tâm trạng cô cảm thấy rất sảng khoái.
Sau 2 cuộc họp online với đối tác nước ngoài, Hạnh đóng laptop nghỉ ngơi. Villa cô book ở resort này có bể bơi riêng, view nhìn thẳng ra biển. Sau khi bơi lội thoả thuê, cô đến nhà hàng dùng bữa tối khi hoàng hôn vừa buông ngay trước mắt.
Thục Hạnh, như nhiều người trẻ khác, là một digital nomad - “dân du mục kỹ thuật số".
Những du mục kỹ thuật số thời 4.0
Du mục kỹ thuật số chỉ những người thường xuyên xê dịch, không phụ thuộc vào địa điểm làm việc truyền thống nhờ làm việc phần lớn qua các thiết bị công nghệ. Digital nomad xuất hiện lần đầu trong cuốn “The Digital Nomad" xuất bản năm 1997. Nhưng theo thống kê của Techmonitor, đến năm 2014, lối sống này mới phát triển vượt bậc.
Tổ chức MBO Partners ước tính, trên toàn cầu có khoảng 4,8 triệu digital nomad. Trong đó, thế hệ Millennial và thế hệ Z chiếm đến 50%.
Ước tính trên toàn cầu có khoảng 4,8 triệu digital nomad.
Để trở thành một du mục kĩ thuật số, bạn cần chuẩn bị những thứ như: điểm đến phù hợp; sử dụng các ứng dụng và công cụ thích hợp; tìm kiếm cộng đồng và bạn đồng hành; sống và làm việc theo điều kiện riêng. Trong đó, việc tìm điểm đến phù hợp rất quan trọng, tốt nhất nên gắn bó với các quốc gia và khu vực cho bạn cảm giác thoải mái để làm việc và giao tiếp.
Sự xuất hiện của COVID-19, dù hạn chế con người di chuyển nhưng lại góp phần khiến lối sống “du mục" phổ biến. Nhiều người nhận ra họ vẫn làm việc hiệu quả, thậm chí năng suất hơn trong một không gian thoải mái, linh hoạt thay vì văn phòng truyền thống.
Thục Hạnh cũng từng là một nhân viên sáng tạo nội dung đều đặn đi từ nhà đến văn phòng vào 8h sáng mỗi ngày. Tuy nhiên, chuyến đi đến Phú Quốc 2 năm trước đã khiến cô nhận ra mình yêu thích sự tự do. Cô quyết định nghỉ việc và trở thành một freelancer để thoả sức “đi đây đi đó".
Phú Quốc – điểm đến đang thăng hạng trong cộng đồng du mục kỹ thuật số.
Những người du mục kỹ thuật số sẽ dành nhiều thời gian nhất cho những thành phố mơ ước, lý tưởng theo những tiêu chí của họ. Một website có tên Nomad List đã chia sẻ những thông tin rất hữu ích như thời tiết, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi đến mức nào tại các địa điểm, sự an ninh, wifi và chi phí hàng tháng tại hàng trăm thành phố để các digital nomad dễ dàng tham khảo.
Tại Việt Nam, Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng là những thành phố được các digital nomad yêu thích. Tuy nhiên gần đây, Phú Quốc đang trở thành điểm đến ngày càng thăng hạng, do những phát triển vượt bậc về nhiều mặt.
“Đảo thiên đường" của dân digital nomad
Phú Quốc cũng là điểm đến đầu tiên Thục Hạnh chọn trở lại sau một thời gian dài “bó gối" vì giãn cách xã hội. Chia sẻ về lựa chọn của mình, cô cho biết: “Tôi thích Phú Quốc vì ở đây có rất nhiều địa điểm lưu trú đáp ứng được thứ tôi cần là một ngôi nhà đẹp tuyệt nhìn ra mặt biển, bữa tối ngon lành và một chỗ làm việc thoáng đãng.
Tôi lựa chọn Nam đảo vì khu vực này vô cùng đa dạng về trải nghiệm sống. Nếu muốn nghỉ dưỡng thượng lưu hay vui chơi giải trí tiêu chuẩn quốc tế, đã có hệ sinh thái của Sun Group với các khu resort 5 sao, cáp treo Hòn Thơm, công viên nước.
Bên cạnh đó, tôi cũng có thể đi chợ cá An Thới, ăn hàng quán vỉa hè, hoà cùng cuộc sống cư dân bản địa. Nam đảo cũng là nơi tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh hay di tích lịch sử của Phú Quốc. Còn muốn đổi gió cuối tuần, tôi dễ dàng book tour bốn đảo hay camping tại Suối Tranh”. Thục Hạnh cũng cho biết vị trí gần sân bay của Nam Đảo cũng là một lợi thế lớn với yêu cầu công việc của cô.
View biển tuyệt đẹp nhìn từ Premier Village Phu Quoc Resort.
Nói về Phú Quốc, Phương Thảo một designer tự do hay dùng cụm từ “đảo thiên đường". Cô thường chọn Phú Quốc cho những chuyến đi để tìm cảm hứng và “đổi gió" không gian làm việc. “Phú Quốc bây giờ đang là một trong những điểm du lịch cho phép mở cửa đón khách quốc tế nên tôi rất yên tâm về các biện pháp phòng chống dịch của địa phương. Phú Quốc cũng đang vào thời điểm đẹp trong năm với thiên nhiên và thời tiết cực kỳ chiều lòng người" – Thảo nói.
Trong chuyến đi gần đây, cô chọn ở trong một căn homestay tại An Thới. “Hiện tại, Phú Quốc chính là thành phố tôi vẫn mơ ước được sống và làm việc. Mỗi lần đến Phú Quốc, tôi đều thấy có nhiều đổi thay mới mẻ, từ các khách sạn, resort mới đến những khu vui chơi, giải trí, nhà hàng…
Gần đây nhất, tôi rất ấn tượng với “thị trấn Địa Trung Hải” tại An Thới, không thể ngờ ngay tại Việt Nam lại có một nơi tuyệt đẹp không khác gì những thị trấn cổ đầy màu sắc của nước Ý”. Phương Thảo đánh giá Phú Quốc ngày càng phát triển và luôn tươi mới, thân thiện, dễ chịu, rất giống như sự phát triển của Đà Nẵng trước kia. Theo cô đó cũng là lý do ngày càng nhiều những “du mục kỹ thuật số” như cô chọn “di cư” ra Phú Quốc.
“Thị trấn Địa Trung Hải” của Sun Group tại An Thới.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, digital nomad là một trong những xu hướng góp phần tạo nên những “thành phố đáng sống” trên thế giới, với sự tập trung của những cư dân 4.0, cư dân toàn cầu. Ở đâu có digital nomad, hấp lực ở đó sẽ ngày càng gia tăng. Thục Hạnh chia sẻ: một người bạn Singapore sau khi chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp và cuộc sống thiên đường của cô tại Phú Quốc đã rất thích thú và ngay lập tức lên kế hoạch đến đây cho mùa “cày cuốc" năm sau.
Không chỉ mang đến sự lan toả trên truyền thông số, cộng đồng digital nomad còn trực tiếp giúp gia tăng số lượng cư dân ngắn hạn, khách du lịch dài ngày và tính sầm uẩt của các điểm đến, từ đó, mang đến nguồn thu cho địa phương, gia tăng sức mua, sử dụng dịch vụ và thậm chí gia tăng giá bất động sản. Với sự phát triển hiện tại, Phú Quốc đang từng bước trở thành điểm đến yêu thích của các digital nomad, và một thành phố “đáng sống” cũng đang thành hình tại “đảo thiên đường".