Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phụ nữ trong 'Hương vị tình thân' đa phần đáng ghét, khán giả lo lắng

12:19 01/08/2021 Phim

Khán giả lo lắng về tính giáo dục của :Hương vị tình thân" khi đa số nhân vật nữ trong phim đều đáng ghét, cả 3 bà mẹ đều xấu tính.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã có thành công vang dội với "Về nhà đi con" vì tính nhân văn, đề cao tình thân và sự bao dung, chở che dành cho con cái. Không có ức chế bị đẩy lên quá cao, cứ dung dị như đời sống bởi những sai trái, lỗi lầm mà các nhân vật gặp phải cũng là điều mà người ta từng một lần vướng phải ngoài đời.

Nhưng với "Hương vị tình thân", vì sao tỷ lệ khán giả ức chế và phản ứng lại chiếm ưu thế đến vậy? Là dụng ý của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, hay phim đã chọn sai "điểm rơi" với tâm lý chung của khán giả?

"Hương vị tình thân" đã chọn một cốt truyện khá hấp dẫn, nhưng tình tiết dẫn dắt mạch truyện, diễn biến tâm lý nhân vật lại thái quá, phức tạp hoá vấn đề, khiến người xem thiếu đồng cảm.

Phim có tên là "Hương vị tình thân" nhưng ngày càng khới sâu vào tiền bạc, phân biệt giàu nghèo. Hơn 70 tập rồi mà "đất" cho tình thân quá ít.

Cả 3 ông bố trong phim (và phần nhiều vai nam) đều được mô tả là người bao dung, trọng tình, hiểu chuyện. Trong khi 3 bà mẹ Xuân, Bích, Sa chỉ toàn thấy những nết xấu.

Bà Bích là mẹ nuôi, lúc Nam còn nhỏ thì cư xử tệ với cô, khi lớn thì luôn đẩy cô vào đường cùng. Khi Nam quen biết Long, bà có tốt hơn nhưng "đính kèm" là những toan tính vì bản thân. Chưa kể thói ăn cắp vặt mãi không chừa.

Bà Sa còn mưu mô, thủ đoạn hơn. Trong một tập gần đây, khi nhìn thấy ông Sinh, bà đã hồi tưởng quá khứ lầm lỗi của mình từng đi theo người đàn ông khác. Trong cuộc trò chuyện với tình nhân còn hé lộ rằng bà Sa vốn dĩ cũng không yêu thương Khánh Thy, từng có ý định bỏ rơi cô để bỏ trốn cùng người đàn ông của mình. 

Bà cũng không giấu diếm mục đích bằng mọi cách để con gái vào làm dâu nhà bà Xuân. Không "mồi chài" được Long, bà ép chuyển hướng sang em trai Long. Dù Khánh Thy uất ức, đau khổ nhưng bà Sa vẫn không mảy may quan tâm đến cảm xúc của Thy. Không những thế, bà còn phá mối quan hệ của Nam và Long, ngăn không cho trở thành vật cản đường của cô con gái.

Còn bà Xuân, tuy bản chất không phải là xấu nhưng lại nhẹ dạ cả tin, dễ bị lôi kéo, dần dần trở nên hồ đồ, mù quáng và quá quắt.

Ngoài ba bà mẹ, các nhân vật nữ khác như Khánh Thy, Thiên Nga (bạn gái mới của Long) cũng là những vai đầy mưu mô, toan tính. Tất cả đều nhằm vào gia sản của gia đình bà Xuân mà sinh ra cơ sự. Có vẻ như trong số các nhân vật nữ hiện tại, chỉ có Nam là người tốt (cô em gái của Nam không xấu nhưng lại quá kém cỏi, suốt ngày chỉ ở không, bênh vực chị trong sự yếu ớt, nhu nhược).

Về vấn đề này, có khán giả đặt câu hỏi: "Thông điệp của phim về phụ nữ là gì khi có quá nhiều nhân vật được mô tả "xấu xí", cực đoan như vậy? Tính hướng thiện, tính giáo dục ở đâu?".

Một khán giả khác cũng thắc mắc tương tự: "Phim đẩy sự vô lý kịch tính lên quá mức để tạo điểm nhấn cho câu chuyện, gây bức xúc căng thẳng cho người xem. Đặc biệt là đẩy hình ảnh người mẹ trở nên xấu xa. Bà mẹ lớn luôn xét nét con dâu, mẹ Long thì hồ đồ, còn mẹ Nam và Khánh Thy thì mưu mô xảo quyệt"; "Bộ phim gây ức chế đến mức không muốn xem nữa. Phim là giải trí, phải đời nữa mới được. Phải có thông điệp rõ ràng, đằng này kiểu như đạo diễn ghét phụ nữ vậy, không có nổi một nhân vật nữ ra hồn"… là những phản ứng của khán giả dành cho phim.

Có khán giả nói vui: "Xem cảnh Nam bị Thy ức hiếp, tức đến nỗi muốn… chui vào tivi đấm Thy một cái".

Với bất kỳ một bộ phim nào cũng đều cần cao trào, tạo mâu thuẫn, xung đột… nhưng liều lượng thế nào để không quá đà và khi mở nút thắt không mang đến một cái kết khó tiếp nhận lại là chuyện khác. Với những gì mà bà Xuân và Long đã gây tổn thương cho Nam và gia đình cô, liệu sự "bẻ lái" của biên kịch, đạo diễn để cho họ đến với nhau có còn đẹp? Có thể coi như chưa từng xảy ra những miệt thị, xúc phạm hay không?

Trước "Hương vị tình thân", từng có nhiều bộ phim được coi là "đầu voi đuôi chuột", càng về cuối càng đuối.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới