Ngày 2/3, sau khi đến trường được hơn hai tuần, cậu bé 9 tuổi Gia Bảo, con trai anh Trọng Nhân (40 tuổi, TP Thủ Đức) về nhà cùng với toàn bộ mền gối mang theo ngủ bán trú. Lớp Bảo có 5 bạn mắc Covid-19, hơn 20 F1 nên tất cả phải chuyển sang học online.
Dù đã lường trước tình huống này xảy ra, anh Nhân vẫn chưa tính toán được người sẽ ở nhà cùng con trai trong những ngày sắp tới cả hai vợ chồng đều phải đi làm. Gia Bảo học tại nhà đồng nghĩa với việc phải có người chuẩn bị cơm ngày 3 bữa cho em, cậu nhóc cũng cần người trông nom việc học tập.
"Tôi nhờ hơn chục người bạn kiếm hộ gia sư nhưng họ không nhận việc chỉ trong một tuần hay nửa tháng. Vợ tôi đang phải xin làm việc tại nhà. Gia đình tôi sắp tới chắc cần thuê giúp việc theo tháng để trông con", anh Nhân chia sẻ.
Ông bố 40 tuổi không phải là người duy nhất đang loay hoay trong việc tìm người trông con khi các bé phải học online tại nhà. Đây là nỗi lo nhiều phụ huynh khác cũng gặp phải khi con trở lại trường nhưng rồi phải học online - offline đan xen.
Trong các hội nhóm chung cư, không khó để thấy được bài đăng tìm người giữ trẻ hoặc người giúp việc có thể hỗ trợ trông trẻ khi học sinh F1 phải cách ly tại nhà.
Ngày 14/2, cả nhà chị K.T. (34 tuổi, quận Tân Bình) hào hứng đưa con trai học lớp 1 lần đầu đến trường. Cậu bé yêu thích việc đi học vì được gặp bạn bè, thầy cô. Vợ chồng chị như trút được phần nào gánh nặng phải trông cho con học hành online.
Song, cả nhà chưa có thời gian nghỉ ngơi được bao lâu, 10 ngày sau cậu nhóc đã thông báo mình phải tiếp tục học online vì lớp có bạn là F0. Chị K.T. sau đó phải liên hệ và thuyết phục cô giúp việc theo giờ đồng ý nhận làm toàn thời gian. Nguyên nhân là chị muốn khi con trai học ở nhà phải có người để ý, hỗ trợ.
Con trai chị K.T. chán nản vì những ngày phải học online liên tục. (Ảnh: NVCC)
"Trước Tết, vợ chồng tôi vẫn có thể làm việc từ xa, ở nhà cùng con, hôm nào bận thì nhờ ông bà. Giờ thì đi làm hết, ông bà có bệnh nền, con đang F1 nên tôi không dám nhờ, phải năn nỉ cô giúp việc làm toàn thời gian để trông cả nó", chị K.T. bày tỏ.
Trong khi đó, anh Đức Thiện (32 tuổi) và vợ quyết định phải "tự lực cánh sinh" sau khi tìm không ra phương án nào thích hợp cho cô con gái 8 tuổi của anh học tại nhà vì dịch.
Anh Thiện sẽ để con ở nhà một mình và tự học cũng như chăm sóc bản thân. Anh quan sát và hỗ trợ con mình từ xa khi có tình huống khẩn cấp bằng cách lắp camera trong nhà. Về phần ăn uống cho bé thì sẽ nhờ cô giúp việc đến nấu trong buổi sáng, anh và vợ đỡ lo được khoản này.
Anh Thiện cho biết thời điểm chưa trở lại trường, bé Thanh Ngân (con gái anh) được gửi đến lớp gia sư của cô giáo ở cùng chung cư. Tuy nhiên, khi các bé đến trường, các cô cũng phải đi làm trở lại nên việc cho con đi học theo cách này là không thể.
"Vợ tôi không an tâm với phương án này nhưng tôi thì cũng 'hết cách', thật ra tôi cũng muốn rèn cho con bé tính tự lập nên quyết định là để con ở nhà một mình. Có gì cần thiết thì nhắn bố mẹ", anh Thiện cho hay.
Người đàn ông này nói thêm việc để các bé một mình tự học tự chơi cũng không phải là phương án tối ưu, thế nhưng các bậc bố mẹ thì không tìm ra biện pháp nào thích hợp hơn khi chưa có người trông con.
Bên cạnh việc tìm giúp việc hay người giữ trẻ, nhiều bố mẹ có con nhỏ lựa chọn thuê gia sư toàn thời gian để vừa có thể giúp con học tập. Tuy nhiên, việc tìm được gia sư toàn thời gian vào lúc này không phải chuyện dễ.
Chị Minh Anh (35 tuổi, quận Bình Thạnh) có hai con là Ken (8 tuổi) và Shin (5 tuổi) đang đều học ở nhà vì dịch.
Đi học từ sau Tết, Ken đã phải hai lần nghỉ tại nhà vì lớp có bạn nhiễm nCoV. Còn riêng Shin, chị Minh Anh không cho cậu nhóc đến trường mầm non mà gửi ở nhà gia sư toàn thời gian để cô vừa trông, vừa kèm cặp kiến thức cho em chuẩn bị vào lớp 1.
Một số hoạt động ngoài trời của các em học sinh cũng bị ngừng lại vì cách ly tại nhà. Ảnh: NVCC.
Thời điểm Ken phải chuyển sang học online, vì không nhờ được ai trông hộ, chị Minh Anh quyết định để cậu bé đến nhà gia sư của em trai cùng học.
"Bố đi công tác liên miên, mẹ đi làm, tôi không gửi con ở đâu được nên nhờ luôn nhà cô giáo của Shin. May mà người ta hiểu cho cảnh 'tiến thoái lưỡng nan' của mình nên nhận luôn", chị Minh Anh tâm sự.
Bà mẹ hai con cho biết vì lịch học online - offline của Ken phụ thuộc vào tình hình dịch nên đây là phương án tốt nhất chị có thể nghĩ ra được trong thời điểm này. Không ít phụ huynh cùng lớp cũng than khó trong nhóm chat vì hình thức học của con cứ thay đổi liên tục.
"Mới đầu phụ huynh còn chần chừ khi khảo sát tiêm vaccine, sau đó đều đồng thuận. Ai cũng muốn con có kháng thể để được học hành ổn định chứ vầy mình khổ mà tụi nhỏ cũng khổ", chị Minh Anh nói thêm.
Khác một chút với nhà chị Minh Anh, chị Vân Nguyễn biến phòng khách của mình thành chỗ học online cho hai con và một bạn hàng xóm. Tuy khác tuổi nhau nhưng cả ba sẽ cùng học trực tuyến theo lịch trường vào buổi sáng, đến chiều sẽ có gia sư là sinh viên sư phạm đến dạy kèm.
Người phụ nữ này cũng cho biết đã quyết định nhờ gia sư kèm luôn cho con mình vào một số buổi tối trong tuần nếu sau này các bé đi học lại tại trường. Lý do là chị không thể ký hợp đồng ngắn hạn, mặt khác chị cũng muốn con được kèm cặp thêm vì việc học online - offline khiến bé vẫn gặp vài khó khăn.
"Gia đình đâu có thể mời gia sự dạy một tuần rồi thôi, tôi phải ký hợp đồng theo tháng. Con mình học vẫn còn lập bập nên có người kèm cũng tốt", chị Vân chia sẻ.