Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phụ huynh choáng vì trường học dùng 4 bộ sách khác nhau

Nhận thông báo của trường về việc mua sách giáo khoa cho con, chị H.N (quận Hà Đông, Hà Nội) đau hết mắt và mất nhiều thời gian để tìm đúng tên sách.

Trường THCS Văn Yên (Hà Nội) - nơi con chị theo học, thông báo tên bộ sách giáo khoa được dùng cho lớp 6 và lớp 7 của trường cho năm học 2022-2023 như sau:

Môn Toán: Bộ sách giáo khoa Cánh diều;

Môn Mỹ thuật: Bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo; 

Môn Tiếng Anh: Global Success;

Các môn còn lại: Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Chị H.N phàn nàn: “Nhận được thông tin từ giữa tháng 7 nhưng nay tôi mới có thời gian đi mua. Tối nay vừa đi chọn sách về, phải nói đau hết cả đầu, cả mắt, bởi chạy quầy này sang quầy kia mới tìm được đủ sách giáo khoa cho con. Trước đây chỉ một bộ cứ thế mua, giờ nhiều loại sách quá”.

Vị phụ huynh nói thật kỳ lạ khi học một năm mà dùng sách giáo khoa tới từ 3 bộ khác nhau. “Tôi nghĩ không chỉ mình khó tìm như vậy. Hôm nay tôi đi ra quầy mua sách giáo khoa, thấy mẹ nào cũng phải chăm chăm mắt vào màn hình điện thoại để lần tìm tên sách giáo khoa”.

Dù vậy, chị H.N sẽ phải ra cửa hàng để đổi lại sách giáo khoa. “Tôi tưởng cả Toán và Văn cùng của bộ Cánh diều. Nhưng về nhà con phát hiện ra Văn phải là sách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống”, chị H.N mệt mỏi.

Năm nay, 2 con của chị N. đều là lứa học sinh đầu cấp theo chương trình sách giáo khoa mới. "Với con trai học lớp 10, tôi chưa dám mua sách giáo khoa sớm. Bởi chưa biết trường sẽ dùng những sách gì của bộ nào để mà mua”.

Phụ huynh vất vả đi tìm mua sách giáo khoa từ nhiều bộ góp lại chuẩn bị cho năm học mới của con. (Ảnh:Vietnamnet)

'Hoàn toàn bình thường'

Trao đổi với VietNamNet, bà Trương Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên cho hay, việc nhà trường chọn sách từ 3 bộ sách khác nhau cũng là việc hoàn toàn bình thường và cũng không ít trường đang thực hiện như vậy.

Bà Liên cũng khẳng định như vậy là không quá nhiều.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT giao quyền chọn sách giáo khoa về cho các nhà trường. Theo đó, các giáo viên ở các tổ nhóm chuyên môn sẽ tham khảo, nghiên cứu các sách/bộ sách, bàn bạc rồi lựa chọn và đăng ký với trường; sau đó trường đăng ký việc sử dụng sách gì với Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT”.

Kết quả, giáo viên của Trường THCS Văn Yên chọn sách giáo khoa môn Toán của bộ Cánh diều; môn Mỹ thuật của bộ Chân trời sáng tạo; các môn còn lại của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

“Trường chúng tôi chọn như vậy là cũng đã tập trung hầu hết vào bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Còn môn Tiếng Anh thì hầu hết các trường trên địa bàn quận đều chọn sách Global Success; môn Toán cũng nhiều trường trong quận chọn sách của bộ Cánh diều. Môn Mỹ thuật thì các giáo viên chuyên môn nói sách của bộ Chân trời sáng tạo phù hợp hơn cả”, bà Liên cho hay nhà trường tôn trọng sự đánh giá và lựa chọn của giáo viên.

Trước phản ánh của phụ huynh về việc sách được chọn từ quá nhiều bộ gây vất vả, bà Liên cho hay, không phải mỗi Trường THCS Văn Yên mà trường nào cũng vậy.

“Việc mua sách ở đâu và như thế nào là quyền của phụ huynh. Nếu phụ huynh không mua ở các nhà sách cũng có thể đăng ký với nhà trường”, bà Liên nói.

Bà Liên còn cho biết thêm, năm ngoái, nhà trường chọn và dùng sách Ngữ văn lớp 6 của bộ Cánh diều, nhưng năm nay quyết định chọn sách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống vì cảm thấy phù hợp hơn. 

“Đây là năm thứ hai thực hiện chương trình phổ thông mới với cấp THCS nên các trường cũng đang trong thời gian vừa dạy vừa trải nghiệm, trước cũng chỉ mới là đọc qua và lựa chọn chứ chưa có trải nghiệm thực tiễn. Cũng cần có thời gian thực nghiệm, nghiên cứu, soạn giáo án bài học và dạy mới thấy những vướng mắc, vấn đề”.

Tuy nhiên, bà Liên nói việc lựa chọn sách từ nhiều bộ sách giáo khoa hay thay đổi sách ở mỗi khối lớp không ảnh hưởng đến việc học tập và kết quả, chất lượng học sinh. 

“Theo thiết kế của chương trình tổng thể thì dù học bằng bộ sách nào thì cũng phải đảm bảo yêu cầu của chương trình, phẩm chất và năng lực đạt được của học sinh, chỉ khác nhau về ngữ liệu. Khung chương trình là chung, đường đi có thể khác nhau nhưng kết quả hướng đến giống nhau ở yêu cầu chung” - bà Liên nói.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới