SCMP đưa tin, Tạp chí Hàng không Trung Quốc tuần trước cho biết, phần mềm của Mỹ đã được sử dụng để mô phỏng khí động học của một loại tên lửa siêu thanh, có khả năng tiêu diệt mọi hệ thống phòng thủ hiện có.
Zhang Feng, giáo sư Đại học Công nghệ quốc phòng tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, dẫn đầu nhóm nghiên cứu đã xác định cách kiểm soát khả năng cơ động, linh hoạt của tên lửa ở tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần mềm do Ansys - một công ty của Mỹ có trụ sở tại Canonsburg, Pennsylvania, phát triển, được cung cấp cho phần lớn các mô phỏng khí động học nhằm giải quyết vấn đề điều khiển của tên lửa, máy bay ở tốc độ cao.
Trung Quốc sử dụng phần mềm của Mỹ để phát triển quân sự mặc lệnh cấm của Mỹ. (Ảnh: Handout)
Theo SCMP, Đại học Công nghệ quốc phòng tỉnh Hồ Nam không phải là nơi duy nhất phát triển vũ khí tiên tiến với phần mềm của Mỹ, đồng thời Ansys cũng không phải là công ty Mỹ duy nhất cấp phép sản phẩm cho các viện hoặc công ty ở Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ song thực tế đạt được là hạn chế. Hồi tháng 6, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân - trường đại học tham gia vào một loạt các chương trình nghiên cứu quân sự từ tàu ngầm hạt nhân đến vệ tinh do thám, thông báo họ đã mất quyền truy cập vào phần mềm toán học phổ biến của Mỹ - MatLab.
Lệnh cấm được đưa ra mạnh mẽ sau khi trường đại học này bị Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ liệt vào nhóm “thực thể thù địch”, không thể sử dụng bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào của Washington mà không có sự cho phép đặc biệt. Phán quyết của Mỹ đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở trường này do giáo viên và học sinh đã sử dụng phần mềm này trong nhiều năm.
Hơn 80% các công cụ công nghệ chính từ nước ngoài mà các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc sử dụng chủ yếu là Mỹ, trong đó gã khổng lồ công nghệ Huawei đã sử dụng các phần mềm công nghệ Mỹ để thiết kế một số chip máy tính cao cấp trên thế giới.
Phần lớn các sản phẩm, thiết bị công nghệ thay thế trong nước không có sẵn do phải mất nhiều năm để nghiên cứu, sản xuất, thậm chí nhiều thập kỷ để phát triển ềm. Điều này khiến Trung Quốc phụ thuộc vào các công ty phương Tây về phần mềm chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, Ma Baofeng, giáo sư Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh, cho biết các công ty Mỹ không muốn đánh mất thị trường khổng lồ và đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chỉ đứng sau Mỹ.
Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, Mỹ có thể lên chiến lược phát triển phần mềm với các phiên bản khác nhau, phân biệt giữa việc dùng trong quân sự và thương mại. Theo đó, phiên bản quân sự có thể chứa các thuật toán đặc biệt được ứng dụng tại Mỹ, trong khi phiên bản thương mại có thể được bán ở thị trường Trung Quốc.
Thông tin về việc Bắc Kinh tiếp tục sử dụng phần mềm của Washington trong nghiên cứu, phát triển quân sự diễn ra trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy ban hành các lệnh cấm đối với các công ty, doanh nghiệp có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Hôm 12/11, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào một số công ty Trung Quốc, mà Washington tin rằng có liên hệ với lực lượng vũ trang Trung Quốc. Ngoài việc cấm các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc, sắc lệnh này còn cấm công ty Mỹ mua bán cổ phần tại các tập đoàn Trung Quốc sau 60 ngày tính từ thời điểm các công ty này bị liệt vào doanh nghiệp quân đội.