Thay vì triển khai trước ở các khu vực thành thị rồi mới mở rộng vùng phủ sóng, với mong muốn tạo ra hạ tầng kết nối siêu băng rộng có chất lượng tốt nhất ngay từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ, Viettel đưa ra quyết định triển khai 4G trên diện rộng đến cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với 36.000 trạm thu phát sóng, phủ 95% dân số, Viettel tuyên bố là nhà mạng đầu tiên trên thế giới có vùng phủ 4G toàn quốc ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng lễ khai trương mạng thông tin di động 4G của Viettel từ xa và được kết nối qua chính mạng 4G.
Với quan điểm đầu tư một mạng 4G siêu tốc độ và hiện đại nhất thế giới, 100% trạm thu phát 4G của Viettel sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu), cho phép mở rộng vùng phủ sóng lên 1,4 lần và tăng tốc độ download lên gần 2 lần so với công nghệ 2T2R (2 phát 2 thu) đang phổ biến trên thế giới.
Trên thực tế, tốc độ download trung bình của 4G Viettel sẽ dao động ở mức 30-50 Mbps, nhanh hơn mạng 3G đang triển khai 7-10 lần. Tốc độ này sẽ cho phép các ứng dụng công nghệ thông tin cần băng thông rộng tốc độ cao được triển khai, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, đặc biệt là phát triển Chính phủ điện tử, hỗ trợ các hoạt động hành chính công…
Viettel công bố sẽ cung cấp miễn phí các kiến thức cơ bản chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ nhà nông… đến người sử dụng dịch vụ 4G. Các ứng dụng này được Viettel phối hợp với các cơ quan chủ quản như Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai tới đông đảo người dân.
Viettel sẽ cung cấp các gói cước 4G đa dạng theo từng đối tượng khách hàng với mức giá dự kiến rẻ hơn 3G từ 40-60%, đồng thời bảo đảm tiêu chí "dùng càng nhiều, giá càng rẻ".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực của ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đặc biệt là tinh thần quyết tâm, sáng tạo của Viettel trong triển khai mạng băng rộng 4G có quy mô, công nghệ, tầm vóc quốc tế chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi được cấp phép.
Điều đó thể hiện những nỗ lực vượt bậc của ngành CNTT và truyền thông nước nhà nhằm phát huy, tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Phó Thủ tướng, cần phải nhìn thẳng thực tế có những thời điểm Việt Nam ở trong nhóm nước đi đầu thế giới về phổ biến công nghệ, thông tin di động số, công nghệ GSM nhưng tính tiên phong chậm dần, và tới giai đoạn mạng 4G thì gần như chúng ta lại thuộc nhóm phát triển chậm nhất.
Ngành CNTT và truyền thông của Việt Nam vẫn còn nhiều mặt mới ở mức trung bình, thậm chí có những mặt còn ở mức trung bình thấp so với mức độ phát triển chung trên toàn thế giới. Điều này đòi hỏi phải có những nỗ lực vượt bậc để đưa CNTT và truyền thông phát triển mạnh mẽ.
“Chúng ta cũng phải có bước phát triển mang tính cách mạng trong ngành CNTT và truyền thông. Do vậy, dù các doanh nghiệp (DN) quan ngại về hiệu quả kinh tế khi nhu cầu khai thác mạng 3G, thậm chí ở một số nơi là mạng 2G, ở Việt Nam vẫn còn nhưng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các DN thông tin di động của Việt Nam phải triển khai rất nhanh mạng thông tin băng rộng 4G. Đây là một trong những yếu tố, hành động cụ thể để nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng cho biết.
Đánh giá cao sự thay đổi tích cực của các DN viễn thông Việt Nam từ cung cấp dịch vụ viễn thông sang CNTT, nội dung số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn với mạng băng rộng 4G, Viettel và các nhà mạng làm nòng cốt tạo lập hệ sinh thái, môi trường thuận lợi cho tất cả DN CNTT, nội dung số, đặc biệt là những DN nhỏ, rất nhỏ và DN khởi nghiệp sáng tạo cùng chung tay phát triển thật nhiều sản phẩm CNTT, nội dung số đưa đến mọi người dân với chất lượng tốt nhất và chi phí tiết kiệm nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng những sản phẩm của Viettel đã làm, đã được sử dụng về y tế, về giáo dục, về Chính phủ điện tử cần tiếp tục được nâng cao chất lượng và được mở rộng độ thâm nhập vào mọi ngành, mọi cấp. Nhưng điều quan trọng hơn cả là bằng mạng 4G, bằng cả hệ thống của mình hiện nay Viettel sẽ như một “bà đỡ” để tất cả các DN CNTT, nội dung số, có được điều kiện phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ, mang tri thức đến mọi người dân, toàn xã hội.
Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Viettel đã tham gia rất tích cực và tổ công tác để đang hình thành một đề án phát triển hệ tri thức số hóa của người Việt nhằm đưa tất cả tri thức khoa học, công nghệ đến với mọi người dân như một phong trào “Bình dân học vụ” mới.
“Khi mới giành được độc lập, để đất nước phát triển chúng ta đã tuyên chiến với giặc dốt và chúng ta đã thực hiện bình dân học vụ để xóa mù chữ. Bây giờ chúng ta cần “xóa mù” về công nghệ cho tất cả mọi người. Và đề án phát triển hệ tri thức số hóa của người Việt, với sự tham gia tích cực của Viettel và của một số công ty, các nhà khoa học, chuyên gia, đang được xây dựng sẽ tạo môi trường, điều kiện thật tốt để mọi người Việt Nam được thụ hưởng những thành tựu tri thức chung của nhân loại”, Phó Thủ tướng nói.
Video: Dân TP.HCM lần đầu trải nghiệm 4G
Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Viettel cần bảo đảm chất lượng dịch vụ 4G tốt nhất vì lợi ích của người sử dụng, đồng thời có những chính sách để trước hết là những thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, nội dung một số tờ báo lớn được cung cấp miễn phí đến mọi người dân.
Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, sản xuất các thiết bị dành cho mạng 4G, kể cả về phần cứng, phần lõi, đáp ứng yêu cầu trang bị trong nước và hướng tới xuất khẩu, thực sự để có chỗ đứng trên bản đồ sản xuất thiết bị CNTT hiện đại trên thế giới.
Chúc mừng ngành CNTT của Việt Nam, Viettel, Phó Thủ tướng mong rằng tinh thần nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo của cộng đồng CNTT và truyền thông tiếp tục được nhân rộng, tận dụng được thời cơ từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, góp phần đưa đất nướcphát triển nhanh hơn, bền vững hơn.