Chiều 2/6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp trực tuyến với UBND TP.HCM, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tổng số ca mắc COVID-19 tính từ ngày 27/4 đến trưa 2/6 Việt Nam ghi nhận 4.820 ca, trong đó 4.595 ca mắc trong nước, 225 ca nhập cảnh; số ca đã ra viện là 385; số ca đang điều trị là 4422; số ca tử vong là 13.Tính đến nay đã có 14/36 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, không có lây nhiễm thứ phát (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hoà Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La).
Các địa phương còn lại ghi nhận 4562 trường hợp mắc COVID-19, từ ngày 27/4 đến nay, trong đó số địa phương ghi nhận số mắc cao và vẫn đang là điểm nóng của dịch là Bắc Giang (2.458), Bắc Ninh (891), TPHCM (227), Hà Nội (254).
Dùng tổng đài gọi điện tự động tầm soát người có triệu chứng
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, chuỗi lây nhiễm từ nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng phát hiện từ ngày 26/5, từ đây phát hiện ra một chuỗi lây nhiễm. Hiện 40/55 người trong nhóm đã dương tính.
Từ nhóm này, dịch bệnh đã lan ra 16/22 quận huyện của TP.HCM, đã qua 3-4 chu kỳ lây nhiễm, liên quan đến khách sạn, doanh nghiệp. Từ TP.HCM, dịch bệnh cũng đã lây lan ra một số tỉnh thành khác.
Tính đến trưa 2/6, thành phố đã ghi nhận thêm 23 ca mắc COVID-19 nâng tổng số ca nhiễm lên 240 trường hợp. Thành phố đã phối hợp các địa phương truy vết, phát hiện rất nhanh, đều xác định được nguồn gốc lây liên quan đến chùm lây nhiễm của nhóm truyền giáo. Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá rủi ro dịch bệnh của TP.HCM vẫn còn rất cao do là đô thị lớn, hoạt động tôn giáo phức tạp, có những người liên quan đến khu công nghiệp.
Những ngày qua, thành phố đã triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, mở rộng xét nghiệm tầm soát tại các khu vực có nguy cơ cao như Khu công nghiệp, ký túc xá của công nhân, dần dần sẽ mở rộng ra trong thời gian tới,…
TPHCM quyết liệt đẩy nhanh tiến độ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, mở rộng xét nghiệm tầm soát tại các khu vực có nguy cơ cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, là đô thị lớn nên TP.HCM phải tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc những khu vực có nguy cơ, có trọng tâm, trọng điểm. Một mặt truy vết các ca trong chuỗi lây nhiễm, kêu gọi người dân có triệu chứng nghi nhiễm cần chủ động đến các cơ sở y tế hoặc thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng phòng, chống dịch. Các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động tầm soát, tập trung vào các đối tượng nguy cơ.
Ban Chỉ đạo đề nghị TP.HCM triển khai sử dụng “Tổng đài gọi điện tự động” thăm hỏi sức khoẻ tới từng người dân, nếu phát hiện cá nhân có triệu chứng nghi nhiễm sẽ có hỗ trợ y tế kịp thời.
TP.HCM cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, tránh tình trạng “khi có tình huống lại trở tay không kịp”; hướng dẫn thí điểm để công nhân trong khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm, đề phòng tình huống xấu, lực lượng lấy mẫu quá tải khi dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý lãnh đạo TP.HCM, khi xuất hiện tình huống dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp, việc tổ chức khoanh vùng, cách ly y tế phải thực hiện chặt chẽ, khoa học, tránh lây nhiễm chéo,…
Dịch kéo dài do cách ly, phong tỏa không nghiêm
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tính đến 6 giờ sáng 2/6, Bắc Ninh ghi nhận 934 ca mắc COVID-19 tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 219 ca mắc COVID-19 ở 50 doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức xét nghiệm cho gần 80.000 công nhân. Trong những ngày tới, dự kiến, số lượng công nhân được xét nghiệm sẽ tăng khi các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Từ 0 giờ ngày 2/6, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện Quy chế phối hợp tạm thời quản lý lao động và người nước ngoài ở lại, ở tạm, làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp và đi lại giữa nơi lưu trú tập trung, cơ sở sản xuất doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm tối thiểu 50% số lượng công nhân làm việc trong các nhà máy.
Người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính lần 1 trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính sẽ được đến làm việc tại nhà máy và tiếp tục xét nghiệm theo định kỳ tối thiểu 10% số công nhân viên ở lại nhà máy. Các công nhân này sẽ không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định.
Các doanh nghiệp cũng phải bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Mặt khác, bố trí lắp đặt, bổ sung thêm các nhà tắm, nhà vệ sinh di động tại các khu vực chưa có sẵn hoặc còn thiếu so với số lượng công nhân; tăng khẩu phần và chất lượng suất ăn cho công nhân viên để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, làm việc cho công nhân, người lao động…
UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương rà soát, trưng dụng tất cả các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh để bố trí chỗ ở tạm cho công nhân.
Bên cạnh đó, các lực lượng tổ chức rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan đến ca mắc tại COVID-19; thực hiện khai báo y tế, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế; đồng thời triển khai xét nghiệm diện rộng: người dân tại một số xã/phường; lấy mẫu ngẫu nhiên tại cộng đồng, người lao động liên quan đến các ổ dịch tại khu công nghiệp; những người dân có triệu chứng sốt trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, lãnh đạo xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để nảy sinh chùm 17 ca mắc COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã bị xử lý, tạm đình chỉ công tác.
Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Bắc Ninh tập trung ngăn chặn, không để dịch lan từ cụm công nghiệp, sang khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh phải xem xét rất kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân tại sao ổ dịch ở một số xã của huyện Thuận Thành kéo cả tháng, chứng tỏ đó đây trong khu cách ly, phong tỏa không thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Tỉnh Bắc Ninh phải tuyệt đối không để tình trạng trong khu cách ly, phong tỏa, quản lý không nghiêm ngặt.
Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành quy trình xét nghiệm mới đối với người nhập cảnh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc cơ thể đã có miễn dịch. Ảnh VGP
Dồn toàn lực dập tắt “điểm nóng” Núi Hiểu
Từ điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tình hình dịch xu thế rất rõ, tâm dịch đã co lại ở huyện Việt Yên. Trong huyện Việt Yên co lại chủ yếu ở thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu) và các khu cách ly tập trung với 90% ca nhiễm mới được phát hiện. Các huyện khác cơ bản đã an toàn, tỉnh tiếp tục xét nghiệm tầm soát rất tích cực nhưng chưa phát hiện ca nhiễm mới.
Hiện nay Bắc Giang đang tiếp tục tập trung 2 mũi, thứ nhất là đẩy mạnh chống dịch tại cộng đồng ở các huyện, thành phố; điều chỉnh cách thức quản lý đối với các doanh nghiệp. Thứ hai là ở huyện Việt Yên, tỉnh sẽ tiếp tục di chuyển công nhân ra khỏi thôn Núi Hiểu (hiện còn 4.000 người), để giảm mật độ, “làm sạch” địa bàn.
Bắc Giang đã tiêm vaccine cho trên 65.000 công nhân và dự kiến sẽ kết thúc việc tiêm 120.000 liều vaccine trong vài ngày tới. Tỉnh cũng đã cho 13 doanh nghiệp quay lại hoạt động theo mô hình chuỗi an toàn với khoảng 5.000 công nhân…
Ban Chỉ đạo đánh giá tỉnh Bắc Giang đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh cần tiếp tục tầm soát ngoài cộng đồng; đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động an toàn. Đặc biệt, những “điểm nóng” là khu cách ly, phong tỏa tập trung nhiều công nhân, có nhiều ca nhiễm như thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) cần tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh, tiếp tục đưa toàn bộ công nhân ra khỏi những nơi này; làm sạch địa bàn.
Người nhập cảnh đã tiêm vaccine sẽ cách ly ngắn hơn
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn về vấn đề xét nghiệm và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành quy trình xét nghiệm mới, kết hợp các công cụ, phương thức xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc cơ thể đã có miễn dịch. Xét nghiệm không phát hiện virus SARS-CoV-2 thì rút ngắn thời gian cách ly tập trung (theo Bộ Y tế quy trình hoàn thiện có thể rút ngắn còn khoảng 1 tuần).
Trước thực tiễn vừa qua, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, đề phòng tình huống nhiều nơi cùng bị lây nhiễm vào các khu công nghiệp, cần lấy mẫu xét nghiệm rất lớn. Việc này đã được thí điểm ở diện nhỏ, Ban Chỉ đạo đề nghị địa phương mở rộng diện thí điểm để đánh giá.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thúc đẩy các nhóm nghiên cứu công nghệ kết hợp để thúc đẩy các phương pháp, thiết bị xét nghiệm mới, bởi việc lấy mẫu xét nghệm sàng lọc tầm soát diện rộng hiện nay vô cùng vất vả và tốn kém.
Về vaccine, các chuyên gia phân tích, Chính phủ, Ban Chỉ đạo ngay từ đầu dịch đã chỉ đạo nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước; tiếp cận, đàm phán mua vaccine từ tháng 5/2020. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng chúng ta đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất bây giờ là phải có vaccine càng sớm càng tốt, nhất là trước thời điểm tháng 10/2021. Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi, nếu vướng mắc Bộ Y tế không tháo gỡ được thì cần trình ngay lên Chính phủ. Nhưng chỉ là từ giờ đến tháng 10 thôi.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế phải có kế hoạch điều tiết nguồn vaccine (dù rất khó vì phụ thuộc vào tiến độ giao hàng của nhà cung cấp) tuyệt đối tránh tình trạng trước mắt chưa có vaccine, nhưng đến cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 vaccine lại về cấp tập.
Tính đến ngày 1/6, cả nước đã hoàn thành tiêm chủng đợt 1, đợt 2 tổng số 1.041.948 liều/917.600 liều vaccine phân bổ, tỷ lệ sử dụng đạt 114%. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vaccine đạt trên 100%.
Ngày 16/5, Bộ Y tế tiếp nhận 1.682.400 liều vaccine phòng chống COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ và triển khai tiêm chủng từ ngày 27/5.