Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM dùng ngân sách mua 70% sách giáo khoa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn TP.HCM thí điểm nhiều nội dung mới, trong đó có việc dùng ngân sách mua 70% số sách giáo khoa để học sinh sử dụng.

Chiều 5/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác làm việc với TP.HCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm liên quan đến các lĩnh vực phụ trách, gồm khoa giáo và văn hóa - xã hội.

Cùng dự buổi làm việc, về phía TP.HCM có các ông: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong buổi làm việc với TP.HCM. 

Cái nôi đổi mới

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã thay mặt UBND TP.HCM đề xuất nhiều nội dung trong các lĩnh vực.

Cụ thể, trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép TP.HCM được áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực này, và nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian thực hiện đề án. Cho phép TP.HCM được sử dụng ngân sách để chi đào tạo bồi dưỡng tài năng, năng khiếu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Trong lĩnh vực du lịch, TP.HCM đề xuất mở rộng các quốc gia được miễn thị thực và được thực hiện E-visa. Đồng thời gia hạn tạm trú với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày.

Bên cạnh đó, TP.HCM kiến nghị Bộ VHTTDL phối hợp các bộ ngành có chính sách thúc đẩy kinh tế đêm, như ưu đãi về thuế phí và lệ phí, nới rộng thời gian hoạt động. Ngoài ra, cần có giải pháp để giảm biên độ dao động của giá vé máy bay trong cao điểm hè, do giá vé thay đổi đột ngột, biên độ rất xa gây khó cho hoạt động du lịch. Cùng với đó là nhiều kiến nghị trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc. 

Lần lượt các Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã cùng trao đổi với TP.HCM về các nội dung kiến nghị này.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, buổi làm việc này diễn ra trên tinh thần chung là tháo gỡ vướng mắc cho TP.HCM; đồng thời mong muốn TP.HCM thí điểm một số vấn đề mới. Phó Thủ tướng đánh giá, TP.HCM với trình độ phát triển cao hơn mặt bằng chung cả nước, lại là cái nôi khởi nguồn các chính sách đổi mới.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ chỉ đạo bộ ngành liên quan rà soát lại tất cả vướng mắc cụ thể của TP.HCM để tháo gỡ. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND TP.HCM đề xuất lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc cho TP.HCM.

Học phí tăng nhưng phụ huynh không phải đóng thêm

Về các vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng “tha thiết mong muốn” TP.HCM sẽ đi tiên phong một số vấn đề trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, để giải quyết bài toán học phí, đồng thời giải quyết được vấn đề thu nhập giáo viên, biên chế, thì TP.HCM nên chọn một tỷ lệ các trường có chất lượng tốt, cho thu học phí cao đủ lo lương cho giáo viên, để đưa số giáo viên này ra khỏi biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, học phí là chi phí giáo dục, cần phải tăng để đảm bảo chất lượng giáo dục. Tuy nhiên cần lưu ý là phần học phí tăng lên đó không phải do phụ huynh, mà sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.

TP.HCM tính toán có phương án, nếu miễn giảm học phí thì nguồn thu các trường không giảm, thậm chí là tăng, nhưng phụ huynh không phải đóng nữa”, Phó Thủ tướng nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc.

Với sách giáo khoa, Phó Thủ tướng gợi mở TP.HCM sẽ đi tiên phong trong việc dùng ngân sách mua khoảng 70% sách giáo khoa để học sinh sử dụng, giữ từ năm này sang năm khác. Theo tính toán, cả nước mỗi năm chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho sách giáo khoa. Nếu chia ra cho 63 tỉnh thành thì con số không phải là quá lớn.

Về chương trình giáo dục cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở TP.HCM quan tâm giáo dục về cái “mỹ”. Theo Phó Thủ tướng, thế hệ trước đây ở Việt Nam khi ra nước ngoài rất thua thiệt, hiểu biết về nghệ thuật rất hạn chế.

Ngày nay kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình đã tự lo cho con em mình được, nhưng nhìn ở số đông, con của công nhân, người lao động thu nhập trung bình và thấp thì vẫn rất cần được thụ hưởng. Theo Phó Thủ tướng, việc này không dễ, vì phải chuẩn bị từ giáo viên, tới chương trình học, nhưng là việc làm rất ý nghĩa. Bởi sâu xa hơn, trẻ được dạy về cái đẹp sẽ hướng thiện tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các bộ ngành cùng TP.HCM nghiên cứu, xem xét chuyển một số trường đại học về cho TP.HCM. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL cùng bàn bạc với TP.HCM để đề xuất cơ chế đặt hàng.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ mọi người dân

Trong lĩnh vực y tế, ông Vũ Đức Đam nêu một “đầu bài”: Mọi người dân đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ như cán bộ. Đây là xu thế chung của thế giới, chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt để sớm phát hiện các vấn đề sức khỏe, tránh chuyển nặng. Theo đồng chí, việc này sẽ giao cho y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu của từng người dân.

Tôi rất mong TP.HCM tiên phong làm việc này. TP.HCM có điều kiện rất tốt để thực hiện, và Bộ Y tế phải ra gói dịch vụ y tế cho y tế cơ sở, xin thí điểm cho TP.HCM thực hiện”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phát biểu tiếp thu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ sớm đề xuất tổ công tác. Tổ sẽ chủ động đề xuất các vấn đề của TP.HCM một cách thường xuyên. Ông Mãi thông tin, TP.HCM đang xây dựng chiến lược giáo dục, trong đó bao gồm các vấn đề như trường chuẩn, đất đai, biên chế, học phí, sách giáo khoa…

Với gợi mở của Phó Thủ tướng về dùng ngân sách mua sách giáo khoa, ông Phan Văn Mãi cho biết trước đây UBND TP.HCM đã báo cáo đề xuất. TP.HCM sẽ phối hợp triển khai, rà soát lại nhu cầu, khả năng đáp ứng và lộ trình báo cáo Phó Thủ tướng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu trong buổi làm việc.

Theo ông Mãi, TPHCM đã đặt ra tỷ lệ khoảng 70% đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế có thể tự chủ được, 30% còn lại do ngân sách hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần. Trong lĩnh vực giáo dục, có khoảng 30% đơn vị có thể tự chủ, còn lại 70% ngân sách phải đảm bảo.

Ông Mãi dẫn ví dụ, trên địa bàn có 3 trường học thì có thể chọn một trường chuyển sang chất lượng cao, tự đảm bảo về biên chế, kinh phí, còn 2 trường còn lại vẫn đảm bảo được chỗ người có thu nhập trung bình, thấp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thông tin thêm, TP.HCM đang xây dựng chiến lược về nguồn nhân lực và chiến lược đảm bảo an sinh xã hội cho một đô thị lớn. Trong thời gian dịch bệnh, TP.HCM đã thành lập Trung tâm an sinh.

Một số nước phát triển có trợ cấp cho người thất nghiệp. TP.HCM sẽ nghiên cứu trong khả năng của mình, cố gắng đảm bảo một số mặt an sinh cho một số nhóm đối tượng”, ông Phan Văn Mãi cho biết và mong muốn Trung ương hỗ trợ cho TP.HCM thực hiện các công việc này, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị Phó Thủ tướng lập tổ công tác, gồm lãnh đạo TP.HCM, các bộ ngành liên quan để cùng bàn bạc, thống nhất các công việc của TP.HCM. Với những vấn đề chưa có quy định, hoặc quy định không còn phù hợp thì tổ công tác sẽ đề xuất thí điểm.

Trước gợi mở của Phó Thủ tướng về những vấn đề TP.HCM có tiềm năng để thí điểm, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định: “TP.HCM sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm để thực hiện những việc này. Đây cũng là những điều TP.HCM mong muốn”.

Theo ông Mãi, với truyền thống năng động sáng tạo, từng đi trước nhiều việc, những công việc thí điểm mà Phó Thủ tướng nêu khi thực hiện ở TP.HCM sẽ không quá khó khăn so với những nơi khác, trong đó tất nhiên vẫn phải đảm bảo tính chặt chẽ.

Nguồn: sggp.org.vn

Tin mới