Chiều 7/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Thường trực Ban Chỉ đạo đã dự cuộc giao ban trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch.
Phải tận dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của TP.HCM về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thành phố cần tiếp tục chuẩn bị để thực hiện giãn cách xã hội trên tinh thần nâng cao hơn một mức, thực hiện các biện pháp mạnh hơn để dập dịch sớm; đồng thời bảo đảm đời sống của người dân.
“Phải tận dụng triệt để những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để khống chế các ổ dịch. Đội ngũ chống dịch có trình độ chuyên môn cao so với mặt bằng chung nên cần phát huy sáng tạo, cách làm của thành phố. Những gì thực tiễn còn khác so với hướng dẫn, quy định cứng thì thành phố mạnh dạn thí điểm, triển khai. Tinh thần là hiệu quả trên hết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng lưu ý khi giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 trong điều kiện mật độ dân số đông, các địa phương xung quanh chưa thực hiện tương tự thì các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với thành phố, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất.
Tại buổi họp trực tuyến, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo cho biết, qua phân tích dữ liệu dịch tễ cho thấy các nguồn lây nhiễm phát tán nhiều nhất là ở các chợ, siêu thị, vì vậy, TP.HCM phải khẩn trương ưu tiên xét nghiệm tất cả những người hoạt động trong hệ thống này.
Thành phố cũng phải thực hiện các giải pháp để trả kết quả xét nghiệm nhanh chóng, chính xác, xét nghiệm được đến đâu thì lấy mẫu đến đó.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị TP.HCM phải thực hiện rất nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội đến từng gia đình, khu phố, cụm dân cư. Những xe vận tải hàng hoá di chuyển trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn thành phố không dừng đỗ phải được tạo điều kiện thuận lợi.
Toàn cảnh cuộc giao ban trực tuyến. (Ảnh: VGP)
Trong hoạt động vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị TP.HCM và các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt, không ách tắc, tạo điều kiện thuận lợi trong xét nghiệm COVID-19 cho lái xe vận tải hàng hoá và người đi theo xe.
Sẵn sàng các phương án đảm bảo đời sống người dân
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khái quát ngày 7/7 là ngày thứ 38 thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố.
Để ứng phó với đợt dịch thứ tư, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh như truy vết, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa cục bộ, dừng nhiều hoạt động thiết yếu và không thiết yếu.
Đến nay, 22 quận, huyện tiến hành phong toả 107 điểm và áp dụng Chỉ thị 16 đối với một số phường, xã.
"Để sẵn sàng cho việc thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để bảo đảm đời sống sinh hoạt của người dân không bị xáo trộn và ảnh hưởng", ông Phong nói.
Thống kê cho thấy, trong số 7.450 ca mắc tại TP.HCM, 49% trong khu cách ly, 33% trong khu phong toả, 4,1% qua xét nghiệm tầm soát cộng đồng, 12,7% qua xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện và 0,8% nhập cảnh.
Điểm cầu TP.HCM. (Ảnh: VGP)
TP.HCM đã thành lập 22 đội truy vết, phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, tổ chức lại tổ COVID cộng đồng, tổ an toàn COVID tại doanh nghiệp. Tăng cường năng lực lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, công nhân, trước hết tại những vùng có nguy cơ cao, các điểm phong toả.
Theo ông Phong, năng lực lấy mẫu của TP.HCM có thể đạt 1,3 triệu mẫu/ngày, xét nghiệm khoảng 400.000 mẫu đơn/ngày, vấn đề đặt ra là tổ chức điều phối thống nhất trong lấy mẫu, xét nghiệm để trả kết quả nhanh, chính xác trong thời gian sớm nhất .
Với diễn biến dịch bệnh hiện nay, TP.HCM đã chuẩn bị phương án để nâng năng lực điều trị từ 10.000 lên 20.000 bệnh nhân theo mô hình 3 cấp độ; chuẩn bị 30.000 chỗ cách ly F1...