Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Thủ tướng: Không biên soạn sách là tiết kiệm ngân sách

(VTC News) -

Phó Thủ tướng cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa, các trường sẽ có thiên hướng chọn sách của Bộ, ảnh hưởng chủ trương xã hội hóa biên soạn sách.

Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Qua báo cáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Bên cạnh đó, hiện có một số bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ GD&ĐT phê duyệt, do đó Bộ xin phép không tổ chức biên soạn một bộ sách bằng tiền ngân sách nhà nước nữa.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngay từ khi đưa việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa vào Nghị quyết 88, đã có luồng ý kiến cho rằng biên soạn không hẳn là tốt nhất.

Bởi vì khi đó các trường sẽ có thiên hướng chọn bộ sách của Bộ mà không chọn sách của các tổ chức, cá nhân. Như vậy, ảnh hưởng không tốt đến chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

“Nhưng vì chúng ta đặt ra yêu cầu chủ động trên mọi tình huống nên đã chấp nhận phương án Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách. Về việc này, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và yêu cầu Bộ thường xuyên liên hệ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng quốc hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, không cần dùng ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa. “Nhưng tôi đồng ý với quan điểm là cần đề phòng trường hợp bất khả kháng khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa không thuận lợi như hiện nay. Lúc đó, Quốc hội quyết định giao cho Thủ tướng chỉ đạo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, với sách giáo khoa lớp 1 phục vụ năm học 2020-2021, đã có 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản (thực hiện theo chủ trương xã hội hóa) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt ban hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình. (Ảnh:Quochoi.vn)

Hơn nữa, thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ sách giáo khoa lớp 1 mới. Việc tập hợp các chuyên gia sẽ khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản. Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã huy động được nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục.

Đồng thời cũng cần tạo điều kiện cho Bộ GD&ĐT tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Với những phân tích như trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có thể khẳng định, chủ trương xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa thành công bước đầu. Hiện có 5 bộ sách lớp 1 của các môn học bắt buộc và 7 quyển sách giáo khoa “Làm quen với tiếng Anh” lớp 1 (môn học tự chọn) được phê duyệt.

Thời điểm này, các cơ sở giáo dục đã lựa chọn được bộ sách phù hợp để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020-2021. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

"Tôi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là không còn cần thiết; không nên tốn thêm vài trăm tỷ để biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa", GS Thuyết nói.

Hà Cường

Tin mới