Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phó thủ tướng: Hạn chế đà tăng giá xăng dầu trong các kỳ điều hành

Để hạn chế đà tăng giá của xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ CT theo dõi sát diễn biến thế giới để có phương án điều hành phù hợp và sử dụng linh hoạt Quỹ BOG.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá - tại cuộc họp về điều hành giá một số nhóm mặt hàng diễn ra tuần trước.

Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ cho biết áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm có xu hướng tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu đặc biệt là xăng dầu có nhiều biến động, tác động đến mặt bằng giá nhiều mặt hàng. Điều này đặt ra thách thức trong công tác quản lý điều hành giá, đòi hỏi các bộ, ngành cần tích cực đánh giá, chuẩn bị phương án, dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá cuối năm, đặc biệt là giá xăng dầu trong nước, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải theo dõi sát diễn biến thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng trong các kỳ điều hành có biến động lớn.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu quý III và cuối năm 2022.

Ghi nhận tại kỳ điều điều hành giá xăng dầu gần nhất (ngày 21/6), giá bán lẻ hầu hết mặt hàng xăng dầu trong nước lại tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng cao. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 185 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít, sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít. Đây đã là đợt tăng thứ 7 liên tiếp và đợt tăng thứ 13 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022.

Tại kỳ điều hành này, giá các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh so với trước đó.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, để ngăn đà tăng "phi mã" của giá xăng dầu, bên cạnh việc giảm thuế bảo vệ môi trường như đề xuất của Bộ Tài chính, việc đảm bảo nguồn cung trong nước đóng vai trò rất quan trọng.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để hạn chế mức tăng trong các kỳ điều hành có biến động lớn. Ảnh: T.L.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn còn hoạt động “chập chờn” so với mức sản xuất có thể tạo ra. Vì thế, từ tháng 2, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá vấn đề nguồn cung là quan trọng nhất trong việc kiểm soát đà tăng giá xăng dầu. Ông cho biết Bộ sẽ ưu tiên sử dụng nguồn trong nước, nhưng cần có cam kết rõ ràng từ doanh nghiệp sản xuất. Nếu doanh nghiệp không rõ ràng về mức sản xuất thì bắt buộc phải nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung.

"Chưa nói đến giá cả, vấn đề nguồn cung cho xăng, dầu là nhiệm vụ rất lớn. Bộ Công Thương có trách nhiệm trong mọi tình huống phải phục vụ đủ mặt hàng xăng dầu", Thứ trưởng Hải khẳng định.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu xăng dầu trong nước cả năm nay vào khoảng 20,7 triệu m3, trong đó, nguồn cung trong nước đóng góp khoảng 14,4 triệu m3, còn lại là nhập khẩu.

Trong quý II, nhu cầu xăng dầu cả nước vào khoảng 5,2 triệu m3, trong khi nguồn cung từ cả trong nước và nhập khẩu vào khoảng 6,7 triệu m3. Như vậy, trong quý III, thị trường sẽ có sẵn khoảng 1,5 triệu m3 xăng dầu tồn kho, cùng với nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu theo kế hoạch, nhu cầu xăng dầu quý III và cuối năm có thể được đảm bảo.

Nguồn: Zing News

Tin mới