Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phó Thủ tướng: ‘EVN cùng Bộ Công Thương phải đẩy nhanh quy hoạch điện VIII’

(VTC News) -

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050, nhằm đảm bảo an toàn an ninh năng lượng quốc gia.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống và nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của EVN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

“Nếu như năm 1990 tổng công suất nguồn điện cả nước chỉ có 2.510MW, sản lượng điện sản xuất 8,7 tỷ kWh, thì đến nay quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới với tổng công suất nguồn điện lên tới 54.850MW (tăng gần 22 lần), điện năng sản xuất đạt khoảng 240 tỉ kWh (tăng 27,5 lần)”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. 

Bên cạnh đó, ngành điện đã nỗ lực ưu tiên đưa điện đến với người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Hiện 100% số xã và 99,25% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

“Từ đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, Phó Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành điện đang đối mặt nhiều khó khăn thách thức, trong đó lớn nhất là nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới. Nguyên nhân do nhiều dự án chậm tiến độ, cùng sự thiếu đồng bộ của hệ thống truyền tải điện. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 11% một năm trong giai đoạn 2011 – 2015 và hiện nay là trên 10%.

“Tổng công suất nguồn điện hiện nay khoảng xấp xỉ 55.000 MW, đến năm 2025 khoảng 100.000 MW và đến 2030 chúng ta cần 130.000-140.000 MW. Do đó, yêu cầu đặt ra với ngành điện là phải đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và tiêu dùng của nhân dân. Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Phủ tướng yêu cầu ngành điện cần tập trung tái cấu trúc nguồn điện, phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải điện. Đồng thời, tháo gỡ các dự án trọng điểm, chậm tiến độ, đẩy nhanh dự án mới, đầu tư công nghệ hiện đại, nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh, nâng cấp hệ thống lưới điện, khắc phục tình trạng quá tải tại một số nơi.

Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích và tự chủ tài chính doanh nghiệp. Tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình, đảm bảo đưa vào hoạt động thị trường bán lẻ điện từ năm 2021.

Đặc biệt, EVN cần chủ động tham gia với Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050. Trong đó phải xây dựng xác định ngay tổng quy mô công suất từng giai đoanh, xác định rõ cơ cấu các nguồn điện trong từng giai đoạn vì cơ cấu nguồn điện đã thay đổi rất nhiều.

Đồng thời xác định không gian bố trí các nguồn điện để làm cơ sở điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh trong thời gian trước mắt nhằm bổ sung đầu tư các nguồn điện mới, điện khí, mặt trời, gió… đáp ứng đủ diện trong giai đoạn mới.

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN, việc đảm bảo cung ứng điện trong các năm tới gặp nhiều khó khăn, thách thức, song EVN luôn nỗ lực là một doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm cao với sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, thời gian qua EVN có nhiều đổi mới trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Đến nay, 100% dịch vụ điện của EVN đã đạt cấp độ 4 về các dịch vụ điện trực tuyến - cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ. EVN cũng đã cung cấp hợp đồng điện tử, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho khách hàng…

Cùng với đó, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế (tăng 129 bậc trong 6 năm qua).

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 8,87% (năm 2013) xuống 6,5% (năm 2019) và đã tiệm cận với mức tổn thất điện năng của các nước phát triển.

Hoàng Hưng

Tin mới