(VTC News)- “Một người bình thường muốn trở thành người tử tế cũng khó chứ đừng nói là một quan chức. Chúng tôi có ở anh là một người lãnh đạo, một đồng nghịêp, một người anh, một người bạn…”
Đó là những tâm sự của nhà văn Trần Thùy Linh, PGĐ Hãng phim Truyền hình VN. Trong cuộc trò chuyện độc quyền với phóng viên báo điện tử VTC News, chị đã cho biết: “Thành công của đời người không phải là danh vọng, tiền tài, địa vị mà là trở thành người tử tế. Thành công đó anh Tuấn đã có được. Trong anh ấy có một người lãnh đạo tử tế, một người đồng nghiệp tử tế, một người anh tử tế và một người bạn tử tế. Anh ấy là vị lãnh đạo trực tiếp mà khi làm việc tôi không bao giờ cảm thấy phân vân, xấu hổ khi phải chấp hành những quyết định do anh ấy đưa ra”.
Thưa chị, chị có thể cho biết suy nghĩ của chị khi được biết một người đang ở vị trí lãnh đạo bỗng nhiên trở thành quân số nhân viên trong đơn vị mình?
Chúng tôi đón anh Trần Đăng Tuấn trở về VFC do nguỵên vọng riêng của anh ấy. Đây chính là nơi anh đã từng kiêm nhiệm làm giám đốc và trực tiếp phụ trách một thời gian dài khi còn làm Phó tổng thường trực VTV. Có anh ấy sát cánh cùng làm việc, tôi tin sẽ học hỏi được nhiều kinh nghịêm quản lí cũng như tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của VFC. Những công lao của anh Trần Đăng Tuấn đối với truyền hình thì khỏi phải bàn, báo chí nói quá nhiều về những đóng góp của anh ấy cũng như chuỗi thời gian anh ấy gắn bó với đài. Có một người đồng nghiệp như thế sao lại không vui chứ?
Công việc của VFC anh Tuấn cũng không xa lạ gì. Việc cụ thể gần đây nhất là kịch bản Bí thư tỉnh ủy mà anh ấy trực tiếp đọc thẩm định cuối cùng để quyết định đưa vào sản xuất. Nhờ có quyết định đó mà chúng tôi thấy vững tâm hơn.
Nhà văn Trần Thùy Linh, Phó Giám đốc Hãng phim Truyền hình VN (Ảnh: st)
- Một số báo có đưa tin anh Trần Đăng Tuấn sẽ về đây với vai trò là một biên tập viên, điều này cụ thể ra sao, chị có thể cho biết không ạ?
- Làm gì thì thời gian sẽ trả lời. Nhưng tôi tin dù trên cương vị nào thì anh Tuấn cũng làm tốt, hết mình, có trách nhiệm như tính cách vốn có của anh ấy. Nhưng có lẽ chỉ “khai thác” anh Tuấn vào việc biên tập thì VFC quá lãng phí tài năng…Chắc phải nghĩ cách “tận thu” con người này…(cười)
- Chị có thể tiết lộ cảm nhận của riêng chị về sự thành công lớn nhất của anh Trần Đăng Tuấn trong suốt thời gian qua ở Đài Truyền hình VN?
- Có được một học thức đáng tôn trọng, một vị trí xã hội cao và làm được nhiều việc lớn trong đời khi còn khá trẻ như anh Tuấn cũng gọi là hiếm, đáng trân trọng. Vị trí của anh Tuấn nhiều người mơ ước, mong muốn…Nhưng khi anh Tuấn quyết định rời bỏ nó chắc phải có lý do riêng của anh ấy, chúng ta đừng nên tìm hiểu quá sâu, đừng phỏng đoán, đừng bình luận, đừng làm thành lớn chuỵên một khi anh Tuấn không thích đề cập tới.
Hãy tôn trọng ý muốn cá nhân của anh ấy, mặc dù tôi hiểu, trong xã hội Vịêt Nam bấy lâu nay, không mấy ai đủ dũng cảm làm việc này nên nhiều người khá tò mò muốn biết lí do. Cá nhân tôi cho rằng, thành công lớn nhất của anh Tuấn là trở thành người tử tế. Để làm một người tử tế với một người bình thường còn khó chứ đừng nói khi đã là một quan chức với nhiều danh vọng, sự nổi tiếng…Nhưng anh Tuấn đã đạt được thành công này.
- Là một người bạn, một đồng nghiệp lâu năm của anh Trần Đăng Tuấn, chị có ngạc nhiên khi biết tin anh Tuấn từ chức?
- Nếu tôi chỉ xét nhìn với tư cách một phó tổng giám đốc thường trực VTV thì thấy ngạc nhiên. Nhưng nếu biết tính cách, con người của anh ấy thì thấy cũng bình thường. Trong lịch sử của dân tộc mình, có khá nhiều các vị từ quan về ở ẩn, làm thơ, dạy học…Tôi tự hỏi, dân ta có xa lạ gì nữa đâu chuỵên từ quan của những kẻ sỹ, vậy tại sao chuyện một Trần Đăng Tuấn từ chức phó tổng giám đốc VTV lại gây xôn xao dư lụân như vậy nhỉ? Phải trả lời câu hỏi này để tới lúc chính tôi cũng phải…từ chức khi không còn làm việc được nữa…(cười)
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Thục Nhi (thực hiện)