Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đang là mối đe dọa với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, việc xây dựng giải pháp ứng phó là nhiệm vụ cấp thiết.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi những bước đi mang tính căn cơ, bền vững và có tầm ảnh hưởng bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó giải pháp xây dựng và củng cố nền kinh tế tuần hoàn được đặt lên hàng đầu.
Khái niệm kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức đầu tiên bởi hai chuyên gia David Pearce và Kerry Turner trong cuốn sách "Kinh tế Tài nguyên và Môi trường", để mô tả mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác".
Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Nhờ chu trình sản xuất khép kín, đưa các chất thải quay trở lại trở thành nguyên liệu cho sản xuất, kinh tế tuần hoàn giúp giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải cũng như giảm ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn là khái niệm tương đối mới mẻ và chưa được ứng dụng đồng bộ tại Việt Nam. Chia sẻ với VTC News về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, cần có một bộ luật riêng về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam để quản lý, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Bên cạnh các chính sách liên quan đến môi trường, đã đến lúc Việt Nam nên cụ thể hóa việc xây dựng kinh tế tuần hoàn bằng luật pháp, chính sách và cơ chế, đơn cử như xây dựng Luật Kinh tế tuần hoàn?
Mô hình kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội kinh tế lớn với giá trị hơn 4,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, có khả năng tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm mới và bền vững. Nhìn vào bức tranh toàn cầu, có thể thấy nhiều quốc gia đã cải tiến hệ thống pháp luật để thúc đẩy hiệu quả hơn việc xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Năm 2009, Luật Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn có hiệu lực tại Trung Quốc. Năm 2012, Đạo luật Kinh tế tuần hoàn đã được thông qua tại Đức. Năm 2016, Phần Lan ban hành Lộ trình tiến tới nền kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2016 - 2025. Gần đây nhất, Pháp cũng đã thông qua Luật Phi phát thải (Anti-waste Law) vào năm 2020, hướng đến việc chuyển dịch thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: VBCSD)
Việt Nam đã có những nội dung chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong một số bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, để có thể thực sự tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế tuần hoàn có thể "cất cánh", việc xây dựng riêng một bộ Luật kinh tế tuần hoàn là cần thiết.
Tại Hội nghị Khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào tháng 6 vừa qua, những yêu cầu cấp thiết liên quan đến thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được đặt ra.
Các yêu cầu bao gồm: hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời kêu gọi sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, hay các sản phẩm được làm mới sau khi đã qua một chu trình sử dụng.
Xây dựng và thông qua Luật Kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
- Một số doanh nghiệp cho rằng khung pháp luật, chính sách của Việt Nam về kinh tế tuần hoàn còn chưa rõ ràng và thiếu. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Kinh tế tuần hoàn vẫn còn là mô hình mới trên phạm vi toàn cầu. Các cơ quan hoạch định chính sách sẽ cần nghiên cứu, tham khảo và học tập các kinh nghiệm xây dựng luật, đưa luật vào thực tiễn của các nước đang triển khai, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cụ thể trong nước, từ đó mới có thể hoàn thiện và đề xuất một bộ luật về kinh tế tuần hoàn mang tính toàn diện và thích ứng tốt với điều kiện kinh tế, xã hội tại Việt Nam.
Mặc dù chúng ta chưa có được một bộ luật riêng về kinh tế tuần hoàn, nhưng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững đã được khẳng định.
Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu lượng lớn rác thải đổ ra môi trường mỗi năm. (Ảnh: Getty Images)
- Kinh tế tuần hoàn hiện nay được luật hóa cụ thể ra sao?
Ngày 7/6/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Theo Đề án, phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn; hay tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định chủ trương xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, "Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn".
Trước đó, năm 2017, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án "Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025", nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.
Năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt "Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030". Ngoài ra, còn có một số luật và chính sách liên quan, như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020.
Trong những năm gần đây, VCCI đã kiến nghị lên Chính phủ những nội dung nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Những kiến nghị này được đưa ra dựa trên các kiến nghị tại các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF). Ngày 27/10, trong khuôn khổ VCSF 2022, VBCSD-VCCI sẽ phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề "Tái xác định giá trị doanh nghiệp từ khía cạnh môi trường: Những đóng góp của doanh nghiệp hướng tới lộ trình phi phát thải".
Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được những đề xuất, kiến nghị mới từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đối tác phát triển để có thể đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn tại Việt Nam.
- Luật Kinh tế tuần hoàn sẽ tác động thế nào đến hoạt động và trách nhiệm của các doanh nghiệp?
Với việc hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn thành Luật, các quy định, chỉ tiêu, yêu cầu sẽ được cụ thể hóa chi tiết hơn, rõ ràng hơn (như định mức tiêu thụ năng lượng, quy trình kiểm kê, thu gom và xử lý chất thải, khí nhà kính và xây dựng thị trường các-bon,...) trở thành xương sống cho quá trình chuyển đổi và thực hiện mô hình tuần hoàn tại doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, hành lang pháp lý đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận cơ chế hỗ trợ về vốn, phát hành trái phiếu xanh, tiếp cận công nghệ, xây dựng thị trường cho các sản phẩm được sản xuất theo mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Khi yêu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường ngày càng cao, các nhà đầu tư cũng sẽ coi đó như một tiêu chuẩn trong quá trình đánh giá doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, áp dụng tốt mô hình tuần hoàn và có báo cáo chi tiết sẽ có ưu thế hơn trong việc thu hút vốn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!