Ngày 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đối với 3 đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần tạo ra môi trường đầu tư ưu đãi hơn là chính sách ưu đãi cho các đặc khu này.
“Môi trường đầu tư còn liên quan đến trách nhiệm, phong cách của người làm ở đặc khu để giải quyết cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt cho đặc khu", Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần sớm khẩn trương hoàn thành 3 đề án để triển khai thi hành luật này khi được thông qua như liên quan đến quy định về tổ chức Đảng, HĐND và UBND...
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. (Ảnh: Quốc Hội)
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch bày tỏ lo lắng nhất của mình là tình trạng mua bán đất đai diễn ra tất bật ở Phú Quốc và giá đất tăng cao ở 3 đặc khu này.
“Tình hình giá đất tăng quá cao ở 3 khu vực này dù luật chưa được thông qua là điều đáng lo ngại, không cẩn thận là mất cán bộ đấy”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng khuyến cáo.
Giải trình thêm về những lo lắng, băn khoăn của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Đây là đạo luật mới, khó, phức tạp nên việc soạn thảo rất kỳ công, nghiên cứu bài bản, học tập trong và ngoài nước…
Theo Bộ trưởng Dũng, Luật cần “bảo đảm nguyên tắc, tạo ra thể chế vượt trội, làm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, có hỗ trợ kinh tế một phần để kích thích các nhà đầu tư. Không trái với Hiến pháp, bảo đảm quốc phòng an ninh, môi trường”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT băn khoăn vì xây dựng thể chế như vậy nhưng quốc tế và nhà đầu tư chấp nhận, hưởng ứng đến đâu? Bộ máy có bảo đảm được sự hoạt động hiệu quả trong bối cảnh của đặc khu hay không?
“Chính sách ưu đãi không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng môi trường có bảo đảm tính cạnh tranh hay không, định hướng phát triển và cam kết của Nhà nước đối với các nhà đầu tư thế nào?”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Dũng đề nghị, chỉ tập trung vào ngành nghề ưu tiên, không ưu đãi tràn lan, bảo đảm tính chặt chẽ, không thu hẹp các ưu đãi cho đặc khu nữa vì sẽ mất tính vượt trội và cạnh tranh.
"Việc lựa chọn ngành nghề của đặc khu cũng phải bảo đảm tính cạnh tranh, vượt trội. Vừa qua, tỉnh Kiên Giang đề nghị đưa nông nghiệp công nghệ cao vào Phú Quốc thì không nên", Bộ trưởng Dũng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, về ngành nghề ưu tiên với đặc khu Vân Đồn bổ sung thêm logistics như việc xây dựng sân bay Vân Đồn, ưu tiên công nghệ cao trên cơ sở sản xuất các sản phẩm lợi thế như sản phẩm sinh học, năng lượng tái tạo…
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà băn khoăn: "Chúng ta đang bàn chính sách ưu đãi của các đặc khu trong tâm thế người quản lý Nhà nước. Vậy chúng ta cần xem xét, “cân đong đo đếm” xem nhà đầu tư nghĩ gì về chính sách ưu đãi của chúng ta để họ tham gia đầu tư vào đặc khu?".
Ông Hải cho biết, đối với đặc khu Bắc Vân Phong của tỉnh Khánh Hoà thì “lõi” của đặc khu này là xây dựng cảng biển để lan toả ngành nghề khác như logistic, ngân hàng…
Video: Phú Quốc sẵn sàng để trở thành một đặc khu kinh tế