Chiều 10/3, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương quản lý tốt các Tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà, hoàn thiện việc kiện toàn Tổ COVID-19 cộng đồng để báo cáo Sở Y tế cũng như Ban Chỉ đạo thành phố ngay trong ngày 10/3.
Theo đó, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu cần phân công rõ trách nhiệm từng thành viên, thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả. “Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng giải quyết các thủ tục hành chính cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà” – ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cho biết, tuần qua số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao, trong đó ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Mặc dù số ca mắc COVID-19 cao, nhưng số bệnh nhân thể nặng đang điều trị tại tầng 2, tầng 3 lại giảm. Với sự tham mưu của lực lượng y tế, Thành phố luôn triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó, nên đến nay tình hình dịch luôn được kiểm soát.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng tại cuộc họp.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các địa phương đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu; tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong bất cứ tình huống nào. Phó Chủ tịch Hà Nội cũng nhắc nhở một số địa phương chưa nghiêm túc khi một số thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch không tham gia phiên họp của Thành phố.
Ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, vì thế phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và thông điệp 5K một cách triệt để. Trong đó, các địa phương đề cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị khi mắc COVID-19.
“Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, thực chất, hiệu quả của các địa phương, trong đó có các cơ quan báo chí của thành phố để người dân nắm đầy đủ thông tin về dịch bệnh, từ đó có cách thức xử lý tốt nhất, không rơi vào tình trạng khủng hoảng khi mắc COVID-19. Đặc biệt, cần tuyên truyền để người dân không hoang mang dẫn đến việc lạm dụng xét nghiệm nhanh COVID-19 không cần thiết, từ đó gây lãng phí và khan hiếm vật tư y tế”, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tính đến ngày 9/3, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 80% (93/109 mẫu) mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính được giải trình tự gen ngẫu nhiên từ 4/12/2021 đến 1/3/2022.
Trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 (86/93 mẫu). Như vậy, bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, chủng Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Trong thời gian tiếp theo, số mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng này.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội thành phố cũng cho biết, sau khi được UBND thành phố giao nhiệm vụ, đơn vị đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm tháo gỡ về mặt kỹ thuật cấp giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cấp cho người lao động khi bị nhiễm COVID-19. Phần mềm này xử lý hoàn toàn tự động, rất nhanh chóng, thuận tiện và đang chờ chạy demo và thử nghiệm. Ngoài ra, đơn vị vẫn duy trì thường xuyên, liên tục việc hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động.
Liên quan tới nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị cần phối hợp triển khai gấp, không chờ tới tuần sau. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội thành phố tập huấn triển khai đại trà việc dùng chữ ký số, liên quan tới các thủ tục xác nhận bảo hiểm xã hội cho người có nhu cầu.
“Đề nghị các đơn vị vào cuộc sớm, có thể tập huấn buổi tối bằng các hình thức trực tuyến. Phải vào cuộc tích cực, hỗ trợ cho người dân thực hiện các thủ tục được thuận lợi”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu.