Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn SGK?

“Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn SGK không? Vấn đề này nên được thảo luận ở Quốc hội và để cử tri cả nước được biết”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Đà Nẵng

Chiều 23/5, thảo luận về chương trình giám sát năm 2022 tại Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ sự tán thành việc giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Theo bà, đây là vấn đề lớn, tác động rộng, cần giám sát tối cao của Quốc hội chứ không nên thu hẹp trong phạm vi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như tờ trình.

“Việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo”, bà Thúy nói.

Một lý do nữa được bà Thúy nêu ra: Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai, nhất là vấn đề SGK và môn lịch sử.

Trong đó, có những vấn đề được báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như những sai sót trong cả ba bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn SGK dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục.

Cùng với đó là vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của bộ trong việc lựa chọn SGK để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa.

“Có câu hỏi đặt ra rằng: Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn SGK không?”. Những vấn đề này nên thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết”, bà Thúy đề nghị.

Theo bà Thúy, qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành Giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ.

Qua giám sát, Quốc hội cũng có thể điều chỉnh các Nghị quyết của mình hoặc bổ sung chính sách, nếu cần thiết. Vì vậy, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông rất cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội.

Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn 4 chuyên đề xem xét, giám sát trong năm 2022. Trong đó, chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao của Quốc hội, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới