Phim nước ngoài được đầu tư kinh phí lớn, sản xuất liên tục. Hollywood "càn quét" rạp chiếu nhờ sức hút khổng lồ của dòng phim thương hiệu; điện ảnh Hàn Quốc thì gây tò mò với sự táo bạo hòa trộn với chất liệu Á Đông. Chất lượng phim Việt đã cải tiến, nhưng “hàng nội địa” vẫn là sự lựa chọn đầy may rủi với khán giả trong dịp Tết 2022.
Dự đoán sớm cho mùa phim Tết 2022
Tết Nguyên đán luôn là thời điểm sôi động nhất của rạp Việt, với giá vé cao và lượng người đi xem đông. Do đặc thù xã hội, thời điểm ăn nên làm ra của phim Tết thường kéo dài số ngày nghỉ. Vào cuối kỳ nghỉ, một số người ở quê mới trở lại thành phố và bắt đầu đi xem phim. Không khí nhộn nhịp vì thế được duy trì trong một thời gian tương đối lâu.
Chất lượng phim Việt đã cải tiến, nhưng “hàng nội địa” vẫn là sự lựa chọn đầy may rủi với khán giả trong dịp Tết 2022.
Đối với các nhà sản xuất, nếu gặt hái doanh thu lớn từ mùa Tết, đó sẽ là thuận lợi lớn giúp họ tự tin phát triển các dự án tiếp. Một thập niên qua (cho đến trước COVID-19), tổng doanh thu mùa Tết nhìn chung tăng dần đều. Trong đó, phim Việt đang ngày càng giữ vai trò đầu tàu về doanh thu dịp Tết song cũng đang phải chật vật tìm chỗ đứng trên “sân nhà”.
"1990" - phim Nhã Phương, Lan Ngọc, Diễm My 9x đóng chính - là tác phẩm đầu tiên dự kiến bước vào cuộc đua doanh thu Tết 2022. Tác phẩm từng dự kiến công chiếu dịp 30/4 năm nay song nhà sản xuất quyết định dời lịch, sau đó dịch ập xuống khiến dự án phải chờ thêm nữa. Đạo diễn Nhất Trung vốn nổi tiếng mát tay mùa Tết với hai phim Cua lại vợ bầu và Đôi mắt âm dương. Trong đó, phim đầu từng giữ danh hiệu phim Việt ăn khách nhất tại thị trường nội (trước khi bị Bố già vượt qua).
“Chìa khóa trăm tỷ” quy tụ Thu Trang, Kiều Minh Tuấn cũng được đồn đoán ra mắt Tết 2022. Dự án từng được định vị là phim hè, trước khi COVID-19 buộc phim đổi kế hoạch phát hành. Qua những chất liệu đầu tiên, có thể thấy phim mang màu sắc hài hước pha hành động từng mang về thành công cho Thu Trang. Không khí của “Chìa khóa trăm tỷ” vô tình khá phù hợp với mùa Tết.
“Thanh Sói” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng có thể góp mặt vào đường đua dịp này. Dự án này từng khởi động đình đám vào năm 2019, nhưng do điều kiện bất lợi nên phải ba năm sau mới có thể ra mắt. Ngô Thanh Vân hẳn cũng đang trông đợi “Thanh Sói” ra mắt để quên đi thành tích không như ý của “Trạng Tí”.
“Phim Tết bớt nhảm” là xu thế tích cực trong một thập niên qua. Cách đây vài năm, các phim Tết ăn nên làm ra song thường bị chỉ trích bởi nội dung hời hợt, chủ yếu gây cười mảng miếng. Theo đà đi lên của điện ảnh, các bộ phim ẩu, dở, dần đánh mất sức hút.
Yêu cầu của khán giả cũng cao hơn dẫn đến tình thế phòng vé có thể thay đổi đột ngột. Như năm 2020, phim 30 Chưa Phải Là Tết (có Trường Giang, Mạc Văn Khoa) ban đầu được đánh giá cao nhất nhưng rồi bị rớt hạng vì điểm trừ chất lượng.
Với những cái tên trên, khán giả vẫn đang đặt một dấu hỏi lớn về chất lượng có phần hơi dè chừng khi quyết định có ra rạp xem hay không.
Cần có cơ chế ưu tiên phim Việt
Nhìn chung, khán giả Việt Nam rất ưa chuộng thể loại phim giải trí hành động, siêu anh hùng. Đây là dòng phim đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ cho dàn dựng, kỹ xảo. Với một nền điện ảnh non trẻ và còn khó khăn trăm bề, phim Việt thuộc thể loại này khó lòng làm hài lòng người xem. Vì vậy, khán giả luôn ưu tiên thưởng thức phim hành động nước ngoài.
Chưa kể, các hãng phim lớn của Mỹ đã sớm xây dựng được dòng phim thương hiệu hái ra tiền trên khắp thế giới. Thay vì làm các phim đơn lẻ, họ thực hiện một loạt phim với hệ thống nhân vật có liên đới và kiến tạo cả một “vũ trụ điện ảnh” thay phiên nhau ra phim như gà đẻ trứng. Điều đó giúp trấn an khán giả rằng họ sẽ được xem một bộ phim chất lượng trung bình trở lên, hiếm khi là thảm họa. Bởi lẽ, người xem sẽ thấy an tâm hơn với số tiền họ bỏ ra để mua vé.
Bên cạnh Mỹ và Hàn, Thái Lan cũng là đối thủ cạnh tranh mới nổi của phim Việt.
Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài đang giữ miếng bánh lớn trên thị trường chiếu và phát hành phim. Khi ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà được xã hội hóa, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc đã nhanh chóng đầu tư và làm bá chủ trong lĩnh vực này.
Hiện tại, có bốn ông lớn trong ngành là CGV, Lotte, BHD và Galaxy. Trong đó, CGV và Lotte đều do Hàn Quốc sở hữu và nắm thị phần lớn. Khi hoạt động tại thị trường Việt Nam, tất nhiên ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn là phải tối đa hóa lợi nhuận. Nếu phim không ăn khách, họ buộc phải cắt giảm, hủy suất chiếu để dành cho các phim ăn khách hơn. Vòng đời của một bộ phim bị ảnh hưởng trực tiếp do quy luật cung cầu. Ngay cả đối với doanh nghiệp phát hành do người Việt làm chủ thì vẫn phải ưu tiên vận hành theo cơ chế này để tồn tại và cạnh tranh.
Bàn về vấn đề này, đại diện của BHD cho biết: “Do chưa có một chế tài nào từ các văn bản luật để điều chỉnh về suất chiếu sao cho có lợi cho phim Việt nên hiện tại thị trường vận hành theo cách phim nào có khán giả phim đó sẽ được ưu tiên, điều đó cũng tạo nên sự yếu thế của phim Việt do số lượng phim Việt Nam ít, và khán giả thì yêu thích tính giải trí của các bộ phim nước ngoài hơn, đặc biệt là các phim của những studio lớn của Mỹ”.
Tuy nhiên nếu tiếp tục thả nổi theo quy luật thị trường thì phim Việt rất có nguy cơ sẽ còn bị “nuốt chửng” dài dài bởi phim nước ngoài. Bởi nước ta có một nền điện ảnh còn non trẻ, thiếu thốn quá nhiều về nhân lực, vật lực nên đường đua này không hề cân sức.
Vì vậy, trong tương lai, phim Việt cần nhận được chính sách bảo trợ từ phía nhà nước như cách mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã thực hiện để tối ưu hóa sân chơi cho điện ảnh nước họ.