Năm 2003, đạo diễn Bong Joon Ho nổi tiếng của dòng phim hình sự, trinh thám Hàn Quốc đã cho ra đời một tác phẩm xuất sắc lọt Top 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Memories Of Murder (Hồi ức kẻ sát nhân) dựa trên câu chuyện có thật xảy ra ở Hàn Quốc.
10 vụ bạo dâm khốc liệt nhất được đưa lên màn ảnh
Vụ án có thật từng xảy ra ở Hàn từ những năm 1986 khi 10 vụ cưỡng hiếp xảy ra với nạn nhân là những phụ nữ. Người nhiều tuổi nhất lên tới hơn 70. Người nhỏ nhất mới 13 tuổi. Họ bị bạo hành và sát hại chỉ trong phạm vi 2km.
Sau hơn 15 năm, hơn 3.000 người bị tình nghi đã bị chất vấn và hơn 300.000 cảnh sát được huy động để điều tra. Đến nay vẫn chưa tìm ra được thủ phạm. Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu một vụ án kéo dài quá 15 năm không có ai bị bắt, nó sẽ phải khép lại quá trình điều tra.
Dựa trên sự kiện có thật kể trên, đạo diễn Bong Joon Ho đã bắt tay làm thành bộ phim điện ảnh Hồi ức kẻ sát nhân vào năm 2003.
13 năm trôi qua, nhiều khán giả vẫn không thể quên được tác phẩm nhiều ám ảnh này của màn ảnh Hàn. Memories Of Murder xứng đáng trở thành một trong những phim trinh thám hay nhất màn bạc xứ Kim chi.
Phim đưa khán giả trở về Hàn Quốc năm 1986 dưới chế độ quân sự của Chun Do Hwan. Cảnh sát Park (Song Kang Ho thủ vai) là một người thích điều tra theo lối mạnh tay đánh đập kẻ tình nghi. Cách phá án của Park đầy lỗ mãng và thiếu thuyết phục.
Trong bối cảnh ấy, người cảnh sát thôn quê bỗng phát hiện ra thi thể bị xâm hại của một phụ nữ tại bờ sông. Chỉ vài ngày sau, một xác chết khác cũng được tìm thấy ở giữa cánh đồng, theo đúng cách bị cưỡng bức rồi bóp cổ đến chết như vụ án trước.
Cách điều tra của cảnh sát Park không giúp anh tìm ra được thủ phạm. Lúc này thanh tra Seo (Kim Sang Kyung thủ vai) từ Seoul được giao nhiệm vụ về vùng quê để hỗ trợ Park phá án. Cách làm việc của hai người đối lập nhau.
Seo là người điềm tĩnh, nghiêm khắc nhưng thiếu tính gan góc. Với những phương pháp chuyên môn được học từ đại học, Seo nhanh chóng thu thập được các đầu mối quan trọng.
Tuy nhiên, càng tìm ra được nhiều dấu vết của thủ phạm, các vụ án giết người lại càng xảy ra nhiều hơn với mức độ đáng sợ hơn. Phía cảnh sát rơi vào bế tắc vì kẻ sát nhân luôn đi trước họ một bước.
Theo lời của một nạn nhân may mắn còn sống sót, tên tội phạm có đôi tay rất mềm. Hắn thường bạo dâm những phụ nữ đẹp, mặc đồ đỏ và gây án vào những ngày mưa.
Một điều kỳ lạ là vào ngày mưa có một khán giả thường yêu cầu trên đài phát ca khúc Sad Letter. Khi tìm ra người gửi yêu cầu này, cảnh sát đã phát hiện ra đó là một người đẹp trai, có đôi tay mềm và đêm hôm xảy ra vụ án cũng đã xin đài phát bài Bức thư buồn.
Nhưng những bằng chứng không đủ sức thuyết phục đó là tên sát nhân thực sự. Kết quả xét nghiệm ADN trên quần áo của nạn nhân không trùng khớp với kẻ tình nghi. Có lúc tưởng như cảnh sát đã bắt được hung thủ nhưng lại đi lệch hướng.
Toàn bộ câu chuyện của Memories Of Murder tập trung vào tên sát nhân. Nỗi sợ hãi của người dân vùng thôn quê trước vụ thảm sát lan tỏa sang phía người xem. Từng chi tiết gợi mở để xác định hung thủ nhưng cuối cùng kẻ tình nghi lại không phải là tên giết người thực sự.
Khán giả hồi hộp theo dõi quá trình điều tra trong cảm giác lo sợ như thể tên sát nhân đang ở ngay cạnh mình. Thậm chí ca khúc Sad Letter (Bức thư buồn) thường được bật lên mỗi khi một vụ thảm sát xảy ra cũng khiến khán giả cảm thấy bị ám ảnh.
Trailer chính thức của phim
Một trong những cái kết hay nhất trong phim điện ảnh
Cảnh kết của Memories Of Murder được bình chọn là một trong những cái kết hay nhất màn ảnh Hàn. Nó mang sức gợi đầy ám ảnh trong từng chi tiết. Nhưng bộ phim không đi vào cái kết mang tính giải đáp. Đến phút cuối, người ta vẫn không thể biết chính xác ai mới là hung thủ thực sự.
Cảm giác bức bối vì không được biết sự thật khiến Memories Of Murder càng thêm sức nặng. Nó gợi mở nhiều nghi vấn cho người xem để dò đoán ai là kẻ sát nhân.
Có người cho rằng thanh tra Seo được cử từ Seoul có nhiều điều rất đáng nghi. Người khác lại đồn đoán tên giết người là gã thanh niên “da mềm cho con gái”. Giả thuyết khác được đưa mang tính thuyết phục hơn. Đó là thủ phạm chỉ nằm ở một câu nói súc tích trong phần kết phim.
Khi cảnh sát Park quay trở lại cánh đồng, ông nhìn xuống phía trong một cái cống nhỏ. Lúc này, một cô bé dễ thương tới gần hỏi “Chú nhìn gì dưới đó vậy?”. Cảnh sát Park im lặng và sau đó bất ngờ hơn khi cô bé cho biết, trước đây cũng có người từng nhòm xuống đó.
Quan trọng hơn, đó là một người đàn ông "từng làm một chuyện sai trái không thể tha thứ được". Về vẻ ngoài của đối tượng này, cô bé nói với vị cảnh sát: “Trông cũng bình thường lắm”.
Rất có thể cô bé đã nhìn thấy hung thủ thực sự của vụ án nhưng cũng chưa chắc đây là người thanh niên có bàn tay mềm như trong nghi vấn. Điều đó đồng nghĩa với việc vụ án thực sự rơi vào ngõ cụt và các nghi phạm đều không phải hung thủ. Có lẽ, sự bế tắc đó khiến cảnh sát Park đã rưng rưng nước mắt ở cuối phim.
Đạo diễn Bong Joon Ho được đánh giá cao ở lối xây dựng kịch bản cuốn hút và giàu ý nghĩa. Đằng sau câu chuyện, người ta thấy lời tố cáo sự bế tắc của xã hội suốt hơn 15 năm không thể tìm ra thủ phạm của những vụ giết người.
Cách xử án "bằng chân tay hơn là đầu óc" của cảnh sát Park cũng là một nguyên nhân khiến vụ án rơi vào ngõ cụt. Phê phán lối hành pháp kiểu bạo lực này của nhân vật cũng chính là điều đạo diễn muốn lên án thực tế ngoài cuộc sống ở Hàn Quốc.
Phim lọt vào nhiều bảng xếp hạng phim hay châu Á nói chung và của thế giới nói riêng. Các giải thưởng tại các kỳ LHP quốc tế chứng minh sức hút không nhỏ của Memories Of Murder.
Thành công đến từ diễn xuất của hai diễn viên nam chính Song Kang Ho (vai Park) và Kim Sang Kyung (vai Seo). Cả hai đều lột tả xuất sắc diễn biến tâm lý nhân vật trong quá trình điều tra vụ án khốc liệt.