Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phim tài liệu về COVID-19 lấy nước mắt của khán giả

(VTC News) -

Có những dữ dội và khốc liệt do COVID-19 gây ra, nhưng cũng có dịu êm, ấm áp của tình người dành cho nhau - những thước phim tài liệu đã chuyển tải điều đó.

Với thế mạnh của dòng phim tài liệu, các "nghệ sĩ" ở nước ta đã lao vào điểm nóng COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4, đem đến nhiều tác phẩm với hình ảnh chân thực, câu chuyện xúc động chạm đến trái tim khán giả. Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng hết lòng vì người bệnh, vượt qua những hy sinh gian khổ để đẩy lùi COVID-19, tình người nồng ấm trong đại dịch đã được các nhà làm phim khắc họa đậm nét.

Những cảnh tượng day dứt người xem

Ranh giới mà nhiều người nghĩ đến chính là ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều ranh giới nữa được đề cập và khắc hoạ rõ nét thông qua phim tài liệu mang tên “Ranh giới” của chương trình VTV đặc biệt. 

Ranh giới” khiến người xem xúc động đến ám ảnh vì những khoảnh khắc mỏng manh giữa sinh và tử.

Nếu nói đến dữ dội, hẳn khán giả sẽ nghĩ ngay đến phim “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, do Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Ðài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Với thời lượng hơn 50 phút, bộ phim không lời bình, không hiệu ứng nhưng sự chân thật, khốc liệt về cuộc chiến các y, bác sĩ giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19 khiến người xem như bị bóp nghẹt. 

“Ranh giới” khiến người xem xúc động đến ám ảnh vì những khoảnh khắc mỏng manh giữa sinh và tử của những người mẹ đấu tranh cho sự sống của chính họ và đứa con của mình, ranh giới giữa thành công và thất bại, giữa quyết tâm và buông bỏ trong cuộc chiến đấu hết mình của đội ngũ y bác sĩ trong hoàn cảnh khốc liệt nhất hiện tại, đó là đại dịch COVID-19. 

Và một ranh giới nữa là khi phải đối mặt với sự sống và cái chết của bệnh nhân thì bác sĩ không màng đến sự lây nhiễm. Khi nhấn tim thì khả năng lây nhiễm là cao nhất nhưng các bác sĩ đã liên tục thay nhau nhấn tim để cứu thai phụ. Khoảnh khắc đấy là ranh giới không có rào cản về tình người, về sự quyết tâm giành giật sự sống cho các bệnh nhân.

Nhiều người xem đã phải thốt lên rằng: “Xem xong “Ranh giới”, đưa tay lên ngực, thấy mình còn thở đều, là cả niềm hạnh phúc”. Ðọng lại sau bộ phim là sự khốc liệt, nguy hiểm của dịch COVID-19, đích thực là một loại “giặc”, không cho phép bất cứ ai chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác. Vì một phút chủ quan với COVID-19, đôi khi cái giá phải trả là mạng sống.

Sau “dữ dội” của “Ranh giới”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê-kíp lại mang đến cho khán giả sự “dịu êm” trong phim “Ngày con chào đời”. Ngày con chào đời là phim "phát sinh" nhưng lại được Quỳnh Tư làm trước, ngay tại khu cách ly sau khi rời TP.HCM về Hà Nội, vừa làm vừa rơi nước mắt vì những khốc liệt của COVID-19 trải ra trước mắt nhà làm phim. 

Vẫn là phong cách phim tài liệu trực tiếp, chỉ có hình ảnh, âm thanh hiện trường, không có lời bình và kịch bản gần như chỉ là một phác thảo ý tưởng ban đầu, Ngày con chào đời một lần nữa "mở mắt" cho khán giả được thấy thật gần, thật rõ "bộ mặt" tàn khốc của COVID-19.

Ở Ngày chào đời, khán giả có thể tận mắt chứng kiến những sản phụ mắc COVID-19 vượt cạn “cút côi một mình”. Vẫn là thông điệp về sự nguy hiểm của dịch COVID-19, nhưng “Ngày con chào đời” lại khiến khán giả ấm áp với sự hy sinh của người mẹ và cả những người mẹ thứ hai - các y, bác sĩ chăm sóc trẻ sơ sinh khi sinh ra không được gần mẹ, cha, người thân.

Ít nhưng chất lượng

Ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã cử ê-kíp thực hiện các phóng sự và phim tài liệu về công tác phòng chống dịch và đời sống của người dân ở TP.HCM. 

Phim tài liệu "Chuyện ở thành phố thức" là một trong những sản phẩm đặc biệt của ê-kíp sản xuất.

Trong đó, phim tài liệu "Chuyện ở thành phố thức" là một trong những sản phẩm đặc biệt của ê-kíp sản xuất, phản ánh những câu chuyện nhân văn, giàu cảm xúc và chân thực từ trong tâm dịch.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long chia sẻ: "Ê-kíp thực hiện quyết định chọn 3 chủ đề đó bởi vì đó là 3 vấn đề quan trọng nhất của thành phố để duy trì được trong đại dịch. Ban đêm ở thành phố có rất nhiều người không ngủ, họ là những người ở lực lượng tuyến đầu. Là những bác sỹ ngày đêm chăm sóc sức khoẻ cho các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, là lực lượng gìn bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của hàng triệu con người".

Hay khán giả cũng không thể quên được những câu chuyện từ bệnh viện Dã chiến số 6, “HTV từ tâm dịch” là loạt phim tài liệu với độ dài 3 tập, mỗi tập 30 phút do phóng viên Lê Trường Giang thực hiện. Tác nghiệp độc lập, đảm nhận vai trò biên tập, quay phim, đạo diễn, dựng phim.

Bằng thủ thuật kể chuyện “song hành”, tác giả Lê Trường Giang, công tác tại Trung tâm Tin tức HTV đã đưa người xem qua từng không gian: Nơi căng thẳng của các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, nhịp sống thường ngày của các bệnh nhân F0 trong khu điều trị, từng mái nhà với từng câu chuyện ngày về. Qua mỗi không gian, số phận nhân vật được thể hiện giản đơn, chân thật nhưng tin chắc sẽ đọng lại trong người xem những trăn trở về “số phận ngày về của mỗi người sau cuộc chiến với COVID-19”.

Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII, mảng phim Tài liệu - Khoa học và hoạt hình ghi nhận việc tăng số lượng các tác phẩm tham gia. Cụ thể, thể loại phim Tài liệu chiếm số lượng lớn, với 56 phim. Bên cạnh đề tài chiến tranh cách mạng, nhân vật lịch sử, phim tài liệu năm nay còn nổi bật ở đề tài phòng, chống dịch COVID-19 với các bộ phim tạo ấn tượng mạnh cho khán giả.

Theo NSND Lê Hồng Chương, số lượng tác phẩm về COVID-19 chiếm không nhiều nhưng đã để lại ấn tượng khi ranh giới giữa sự sống và cái chết được các nhà làm phim cảm nhận, đưa lên phim một cách chân thực. Đó là sự thực cuộc sống.

"Điều quan trọng khi đánh giá tác phẩm là yếu tố nhân văn bởi khi có nó mới đi đến trái tim của mọi người, tác động đến bất cứ lĩnh vực nào. Nếu chỉ nói không thì không có tác dụng bằng phản ánh sự thật một cách chân thật nhất, nó thuyết phục được con người bằng việc chạm tới cảm xúc trái tim của người xem", NSND Lê Hồng Chương nói.

Hồng Yến

Tin mới