Mùa phim hè đã gần đi qua, cho thấy diện mạo thú vị của truyền hình Trung Quốc năm 2018. Thay vì phim cổ trang tiên hiệp Phù Dao hoàng hậu của nữ hoàng rating Dương Mịch, tựa phim chiếm sóng mạng xã hội nhất đến lúc này là Diên Hy công lược. Tai tiếng đạo phim của nhà sản xuất nhiều chiêu trò Vu Chính gần như bị lãng quên hoàn toàn khi series này ra mắt.
Có cùng thời gian, bối cảnh và nhân vật, Như Ý truyện trình chiếu sau Diên Hy công lược khoảng một tháng, tiếp tục trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của khán giả, không chỉ ở Trung Quốc, mà cả tại Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong... Mặc dù hai bộ phim bị khán giả thi nhau “nhặt sạn”, sức hút của chúng vẫn rất lớn, một lần nữa đưa dòng phim cung đấu lên ngôi trở lại sau một thời gian thoái trào.
Thâm cung nội chiến (Đặng Tụy Văn, Lê Tư, Xa Thi Mạn, Trương Khả Di đóng chính) do đài TVB sản xuất năm 2004 được ghi nhận là cuốn phim tiên phong mở ra thời đại phim cung đấu trên màn ảnh Hoa ngữ. Bộ phim gây tiếng vang khắp châu Á nhờ sự chỉn chu toàn diện về kịch bản, bối cảnh, tạo hình, âm nhạc...
Câu chuyện phim chặt chẽ, lôi cuốn, thông minh, không có chi tiết thừa. Quan trọng nhất là dàn nhân vật, từ vai chính tới vai phụ đều rõ ràng cá tính, nội tâm phức tạp, chính tà khó phân.
Trong khi phim cung đấu Hong Kong đã xuất hiện từ đầu những năm 2000 thì phải tới năm 2011, truyền hình đại lục mới tạo nên đỉnh cao đầu tiên của dòng phim này. Đó chính là Chân Hoàn truyện do Tôn Lệ đảm nhận vai chính.
Ưu điểm vượt trội của bộ phim này là thời lượng dài, tạo không gian cho câu chuyện trải dài theo cuộc đời nhân vật, gắn chặt với sự biến đổi bản chất của nữ chính Chân Hoàn từ khi là thiếu nữ ngây thơ mới nhập cung tới lúc trở thành kẻ tham quyền lực, độc ác, tranh giành sủng ái. Các chiêu khổ nhục kế, phản bội, hạ độc, giết người được tung ra liên tục, tạo kịch tính cho phim.
Ăn theo Thâm cung nội chiến và Chân Hoàn truyện, nhiều series cung đấu lần lượt ra mắt trong hơn 10 năm qua, có thể kể đến Mỹ nhân tâm kế, Cung tâm kế, Thâm cung kế, Võ Mị Nương truyền kỳ... Tuy không làm nên tên tuổi như các “tiền bối”, song loạt phim này cũng sở hữu lượng fan riêng. Trước sự lên ngôi của phim ngôn tình thanh xuân, phim cung đấu vẫn giữ vững địa vị trên sóng truyền hình Hoa ngữ.
Mang tới thế giới phù hoa, lộng lẫy
Phim cổ trang vốn là thế mạnh hàng đầu của phim ảnh Hoa ngữ. Là một nhánh của phim cổ trang, dòng phim cung đấu đánh trúng tâm lý thích khám phá những điều xa rời hiện thực của nhiều người, trải ra trước mắt khán giả không khí cung đình cao sang, quyền quý và đẹp đẽ.
Không gian Tử Cấm Thành hay kiểu dáng y phục thời xưa vốn quá quen thuộc với khán giả qua hàng trăm tác phẩm, song được làm mới liên tục nhờ phong cách thiết kế, góc quay, màu sắc. Điểm cộng lớn của Diên Hy công lược so với nhiều phim lúc trước của Vu Chính là lối khai thác hình ảnh đầy ngụ ý, cũng như trang phục trang nhã, trang sức và lối trang điểm tái hiện chuẩn mực tập tục thời đại nhà Thanh.
Phim cung đấu cũng giống như một thầy phù thủy, mang đến cho dàn diễn viên chân dung lạ lẫm. Dòng phim này cũng thường lựa chọn diễn viên kỹ lưỡng, đặc biệt là diễn viên nữ, cân bằng giữa nhan sắc và tài năng.
Trong hai bộ phim gần đây, ngoại trừ Ngô Cẩn Ngôn vai Ngụy Anh Lạc trong Diên Hy công lược bị chê kém sắc và Châu Tấn vai Thanh Anh trong Như Ý truyện gây tranh cãi vì lớn tuổi so với nhân vật, các diễn viên khác đều được khen ngợi về ngoại hình.
Lời thoại, lối xưng hô cổ xưa cũng là một yếu tố thu hút người xem. Chẳng thế mà các danh xưng “nương nương”, “phi”, “a ca”, “bổn cung”... được cư dân mạng mượn lại trong các cuộc chuyện phiếm nhiều đến thế.
Chuyện xưa nhưng không xa rời cuộc sống hiện đại
Khác với phim lịch sử, dã sử, phim cung đấu không cần chú trọng quá nhiều yếu tố hiện thực, nhờ vậy mà các biên kịch thỏa sức tung hoành trong thế giới tưởng tượng.
Loạt phim này khai thác câu chuyện tranh giành quyền lực qua lăng kính giai nhân, hướng tới khán giả mục tiêu chủ yếu là phái nữ. Yếu tố ngôn tình với nhiều khoảnh khắc lãng mạn hay chi tiết bi kịch rất phù hợp với thế hệ khán giả trẻ, giúp mở rộng đối tượng người xem.
Đặt trong bối cảnh cổ trang song thực tế, phim cung đấu nhiều khi rất tiệm cận đời sống. Các nhà làm phim mượn nền lịch sử và văn hóa truyền thống để diễn đạt những câu chuyện đời thường, đố kỵ giữa phụ nữ với phụ nữ, cạnh tranh tiếng nói nơi công sở hay địa vị trong showbiz... Các nhân vật với những tính cách đặc trưng cũng là hiện thân của nhiều tuýp người trong xã hội.
Vài năm trước, Chân Hoàn truyện được cộng đồng mạng Trung Quốc ví von là series Nhật ký thăng chức của Đỗ Lạp Lạp bản cổ trang. Chân Hoàn mới vào cung giống như sinh viên mới tốt nghiệp, nhờ quan hệ của gia đình mà được nhận việc ở doanh nghiệp lớn. Tại đây, cô khéo léo kéo bè kết đảng, lấy lòng cấp trên, sẵn sàng cạnh tranh với những đồng nghiệp không cùng tiếng nói.
Phim cung đấu thường có thời lượng rất dài, 70 - 80 tập phim là chuyện thường thấy, tình tiết phim nhiều khi thiếu logic. Song số đông vẫn kiên trì theo dõi, bởi nếu bỏ dở, họ cảm thấy không thỏa đáng. Thứ nữa, xem phim cung đấu khá giống chơi game, với mỗi kiếp nạn của nhân vật là một bàn thử thách luôn đủ hấp dẫn để cuốn khán giả dõi theo.
Đẹp, khéo kích thích trí tò mò của khán giả, lại không ngừng mang tới nhiều gương mặt diễn xuất mới, phim cung đấu Hoa ngữ trải qua hơn 10 năm vẫn là lựa chọn được yêu thích trên sóng truyền hình và truyền hình mạng.