14/7, một ngày nóng như thiêu như đốt, ánh nắng chiếu xuống mặt đường bê tông của kho hàng hóa Dư Diêu (tỉnh Chiết Giang) gay gắt như hắt xuống từ bầu trời. Hôm nay Trương Công Tiễn phải bốc xếp hàng hóa lên tàu. Có gì đó không ổn, anh mỗi lúc một nhợt nhạt, ướt đẫm mồ hôi và bơ phờ. Thường ngày là một người lạc quan, nhưng hôm nay Trương không đáp lại những câu đùa tếu từ đồng nghiệp.
Cái chết trong phòng trọ
Sau đó, Trương, 34 tuổi, đi thẳng về nhà. Với ý định sống tằn tiện để có tiền hỗ trợ gia đình ở quê, anh đã thuê một căn phòng trọ nhỏ ở một ngôi làng gần chỗ làm. Căn phòng chật chội và bức bí này chỉ đủ chỗ cho một chiếc giường, một xe đạp điện, một tủ lạnh nhỏ và một chiếc quạt. Một chiếc máy điều hòa nhiệt độ đối với Trương là quá đắt và xa xỉ.
Người chị gái thăm lại căn phòng trọ của Trương
Sáng hôm sau, Lưu Đào, người ở phòng bên cạnh, phát hiện Trương đã chết trên giường. “Tôi nhìn qua cửa sổ đang mở, thấy Trương không mặc quần áo và nói đùa, “Này, anh nên mặc quần áo vào, có rất nhiều chị em xung quanh đây”, Lưu, tài xế xe nâng, đồng nghiệp của Trương, kể lại. "Tôi không nhận ra ngay rằng anh ấy đã chết”.
Lặn lội từ vùng nông thôn tỉnh An Huy lên, vợ và người thân của Trương Công Tiễn tin chắc rằng anh Trương, vốn khỏe mạnh là thế, đã chết do kiệt sức trong điều kiện trời quá nóng bức. Vợ con Trương mô tả lại tình trạng của anh cho một chuyên gia y tế và vị chuyên gia cũng có cùng nhận định. Cái nóng mùa hè năm nay ở miền đông Trung Quốc được coi là dữ dội nhất từ trước đến nay. Ngày 14/7, nhiệt độ ở Dư Diêu lên đến 41 độ C.
Khi biến đổi khí hậu đang đẩy nền nhiệt ở Trung Quốc tăng nhanh gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt đang gia tăng, theo Đệ lục thanh tạp chí. Trong năm 2019, các đợt nắng nóng đã giết chết khoảng 26.800 người ở Trung Quốc, theo tạp chí khoa học The Lancet Public Health. Tạp chí này ghi nhận rằng sau mỗi một đến hai năm trong thập kỷ qua, số người chết liên quan đến nóng bức tại đất nước tỷ dân đã tăng thêm khoảng 1.000 và xu hướng này có khả năng tiếp diễn.
Nơi Trương làm việc
Cái chết của Trương cho thấy rằng giới chức Trung Quốc sẽ phải xem xét lại luật lao động nếu muốn bảo vệ những người lao động nặng nhọc nhất trong xã hội. Trong khi Trung Quốc là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đợt nắng nóng, các chuyên gia cho rằng tác động đối với sức khỏe cộng đồng từ các đợt nóng đã bị xem nhẹ. Công việc tại kho vận chuyển hàng hóa vẫn không bị đình chỉ mặc dù giới chức Dư Diêu đã ban hành cảnh báo nhiệt đỏ - mức cảnh báo cao nhất đi kèm khuyến nghị tạm dừng mọi công việc ngoài trời.
Khi trời quá nóng và ẩm, ngăn cản việc đổ mồ hôi giữ cho cơ thể con người ở 37 độ C, hiện tượng tăng thân nhiệt sẽ xảy ra. Nhiệt độ cơ thể của một người lên trên 40 độ C sẽ dẫn đến hiện tượng say nắng, có thể làm tổn thương não và các cơ quan khác, gây tử vong. Trần Hải Hoa, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Trung Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cho biết lao động ngoài trời là một trong những nhóm đối tượng dễ bị kiệt sức nhất trong nắng nóng.
Ở Chiết Giang, chiểu theo các quy định của chính phủ, người sử dụng lao động phải trả cho người lao động ngoài trời "trợ cấp nhiệt độ cao" 300 nhân dân tệ (khoảng 44 USD) mỗi tháng khi nhiệt độ vượt quá 35 độ C. Vào những ngày như vậy, ca làm việc kéo dài nhiều nhất là sáu giờ và người sử dụng lao động phải trả đầy đủ tiền lương. Khi cái nóng vượt quá 40 độ như vào ngày Trương qua đời, mọi công việc ngoài trời nên dừng lại.
Nhưng những quy định như vậy thường bị bỏ qua. Kho hàng hóa nơi Trương làm việc, một khu phức hợp có đường ray xe lửa và các nhà kho lợp tôn thuộc sở hữu nhà nước, là nơi nhiều công ty tư nhân thuê lao động thông qua các cơ quan điều phối và thường không có hợp đồng chính thức. Điều này khiến người lao động khó có được sự bảo vệ mà họ đáng được hưởng. Bốn công nhân, bao gồm cả Lưu, nói rằng họ chưa bao giờ nhận được trợ cấp nắng nóng dù phải làm việc cả ngày trong điều kiện oi bức.
Dư Nghệ Đông, công nhân đến từ tỉnh Giang Tây cho biết: Vào những ngày nóng nhất, nhiệt độ bên trong (toa tàu) ít nhất là 50 độ. "Có cảm giác như anh đang bốc cháy khi đứng ở đây vào buổi trưa”, Dư nói. Công ty thuê Dư làm việc có phát thuốc ngăn ngừa say nắng và Dư dùng hai lần một ngày. Ở kho vận chuyển hàng hóa, những người quản lý ngồi trong phòng máy lạnh, nhưng những công nhân như anh lại nằm nghỉ dưới tán cây. “Văn phòng không dành cho chúng tôi”, Dư nói.
Buổi tối 14/7, Dư thấy Trương xanh xao nên giục anh ta nghỉ ngơi. Dư nói công nhân cảm thấy quá nóng là chuyện thường xuyên xảy ra tại kho hàng, vì vậy anh lo lắng cho Trương, người không bao giờ dám nghỉ việc vì sợ mất tiền. Mặc dù chính phủ quy định phải trả thêm tiền cho những công việc phải chịu nắng nóng, nhưng trên thực tế, những người như Dư và Trương hiếm khi nhận được khoản tiền đó. Đối với Trương và các đồng nghiệp, thu nhập của họ phụ thuộc vào số lượng hàng hóa họ chất lên các toa tàu. Lưu, hàng xóm của anh, cho biết Trương còn đi thu nhặt đồ có thể tái chế để kiếm thêm tiền.
Tổng cộng Trương kiếm được khoảng 7.000 nhân dân tệ (24 triệu đồng) mỗi tháng, đây là thu nhập chính của gia đình anh ở làng Lưu Tập, phía bắc tỉnh An Huy. Ở nhà, vợ anh, Lưu Hồng Hà, chăm sóc con gái 8 tuổi và người mẹ lãng tai, ngoài ra còn làm cho một cửa hàng tạp hóa địa phương với mức lương tháng không quá 1.000 nhân dân tệ (3,4 triệu đồng). Đối với đôi vợ chồng trẻ, tiền bạc luôn là vấn đề lớn.
Cuộc chiến đòi tiền trợ cấp
Khi Lưu Hồng Hà nghe tin về cái chết của chồng, dường như cả thế giới đã sụp đổ. Nhưng cuộc chiến đòi tiền đền bù đã khiến cô không còn thời gian để đau buồn.
Để giúp đỡ những gia đình có người trụ cột chính bị thương nặng hoặc thiệt mạng, luật pháp Trung Quốc quy định rằng "chết liên quan đến công việc" thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp cho người thân và khoản bồi thường một lần là 948.240 nhân dân tệ (khoảng 3,27 tỷ đồng). Nhưng gia đình Trương sớm nhận thấy rằng những khoản tiền này rất xa vời trong thực tế nếu Trương chết vì say nắng.
Chiếc ba lô Trương mang từ quê lên chỗ trọ
Ngày 15/7, Lưu Hồng Hà và một số người họ hàng đã lặn lội 550 km từ quê đến Dư Diêu và vào thẳng đồn cảnh sát địa phương. Giấy chứng tử mà cảnh sát cấp không nêu rõ nguyên nhân cái chết ngoài việc loại trừ đây là án mạng. Trương đã chết tại nhà và không được bác sĩ chẩn đoán trước khi qua đời. Do đó, không có bằng chứng nào chứng minh trường hợp của anh ta cấu thành một "cái chết liên quan đến công việc", chính quyền địa phương nói với gia đình như thế.
Nhà bệnh lý học pháp y Trương Nhạc Xán (không có quan hệ họ hàng với Trương Công Tiễn) nói rằng nguyên nhân cái chết đặc biệt khó xác định khi nó liên quan đến say nắng. Đây là một quá trình diễn ra từ từ mà các triệu chứng, chẳng hạn như suy nội tạng, có thể do vô số các bệnh lý khác gây ra. Trương Nhạc Xán, người làm việc tại Trung tâm Xác thực Tư pháp Chiết Giang Trung Hà ở tỉnh Ninh Ba, nói khám nghiệm tử thi cần phải là một “phán quyết toàn diện” có tính đến điều kiện thời tiết mà người đó tiếp xúc.
Tấm ảnh cưới của vợ chồng Trương được tìm thấy trong phòng trọ
Dù gia đình cố tranh biện rằng cái chết của Trương Công Tiễn liên quan đến công việc, 10 ngày thương lượng với công ty xếp dỡ hàng hóa Huasheng thuê Trương làm việc chẳng đi đến đâu. Gia đình không muốn khám nghiệm tử thi vì chi phí cao, thêm nữa là quan niệm truyền thống của Trung Quốc "không làm phiền người chết" và lời khuyên của các chuyên gia rằng dù sao thì kết quả khám nghiệm cũng không thể được sử dụng làm bằng chứng, một người anh trai của Lưu Hồng Hà nói với Đệ lục thanh.
Tấm ảnh con gái, một trong vài thứ ít ỏi Trương để lại trong phòng trọ
Trong khoảng hai tuần ở Dư Diêu, gia đình Lưu và Trương ở trong một khách sạn gần kho vận chuyển hàng hóa. Hàng ngày, họ đi khắp thành phố, cố gắng nói chuyện với những nhân chứng có thể cho họ biết về tình trạng sức khỏe của Trương trước khi chết. Nhưng họ không thể tìm thấy loại bằng chứng đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý.
Cuối cùng, thông qua chính quyền địa phương, gia đình đã ký một thỏa thuận dàn xếp, theo đó họ nhận được gần 150.000 nhân dân tệ (517 triệu đồng), với 83.000 nhân dân tệ từ công ty thuê Trương Công Tiễn và phần còn lại do chính quyền địa phương chi trả.
Hơn một tuần sau khi gia đình đến Dư Diêu, cảnh sát cuối cùng đã cho phép họ xem cảnh quay an ninh kho vận chuyển hàng hóa trong ngày cuối cùng của Trương Công Tiễn. Lưu Hồng Hà thấy chồng liên tục dừng lại để nghỉ. Hôm đó, Trương làm việc từ 8h30 sáng cho đến 10h tối.