Sản phụ N.T.H. (trú huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) mang thai lần 3 được gia đình đưa vào nhập viện sinh khi thai nhi được 38 tuần 3 ngày.
Trước đó, khi ở giai đoạn tháng thứ 7 của thai kỳ, chị H. được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm, theo dõi rau cài răng lược và được các bác sĩ tại Bệnh viện tư vấn theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ.
Thời điểm vào viện, người bệnh có tình trạng thiếu máu nhẹ, có tiểu máu vi thể (nghi ngờ rau thai đâm xuyên bàng quang). Sau khi có kết quả xét nghiệm kết hợp hội chẩn chuyên khoa, chị H. được chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Đây là trường hợp phẫu thuật lấy thai được nhận định khá phức tạp khi sản phụ H. bị tình trạng rau tiền đạo trung tâm cài răng lược mặt sau đoạn dưới tử cung đến sát thanh mạc, cài mặt trước đến thành bàng quang vô cùng nguy hiểm và không có khả năng bóc rau.
Không những vậy, sản phụ H. từng có tiền sử mổ lấy thai 2 lần trước đó và đây cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ dính và khó khăn cho lần phẫu thuật này.
“Đối với trường hợp này, chúng tôi đã chuẩn bị trước kế hoạch đón em bé, cắt tử cung bán phần mà không bóc rau khỏi vị trí bám, đồng thời dự trù máu đầy đủ để truyền cho sản phụ trong quá trình phẫu thuật”, BSCK I Nguyễn Văn Hưng, Trưởng khoa Sản 2 cho biết thêm.
Bác sĩ thăm khám lại cho sản phụ trước khi xuất viện.
Với việc chuẩn bị kế hoạch phẫu thuật chu đáo cùng với sự hỗ trợ tốt của ê-kip gây mê hồi sức, ca phẫu thuật có sự tham gia trực tiếp của TS.BS PhạmThái Hạ, Giám đốc Bệnh viện đã thành công tốt đẹp. Bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 3.5kg, sau sinh khóc ngay, phản xạ tốt.
Sau khi đón em bé ra ngoài, do tình trạng sản khoa nặng nề không bóc được rau, các bác sĩ tiếp tục thực hiện cắt tử cung bán phần cho sản phụ. Quá trình phẫu thuật, sản phụ được truyền 750ml khối hồng cầu và 400ml huyết tương tươi đông lạnh.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình phẫu thuật, BSCK I Nguyễn Văn Hưng nói: “Thách thức lớn nhất đối với phẫu thuật viên trong trường hợp này là phải làm sao để kiểm soát chảy máu, gỡ dính, tách rời bàng quang khỏi mặt trước tử cung để cắt tử cung bán phần thấp mà không gây chảy máu sau khi lấy thai, không gây tổn thương các cơ quan lân cận. Các thao tác của phẫu thuật viên cần hết sức thận trọng, bởi nếu trong quá trình phẫu thuật mà không có kỹ thuật tốt sẽ gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng sản phụ”.
Sau phẫu thuật, sản phụ được đưa về chăm sóc tại khoa Sản 2 với tình trạng ổn định. Sản phụ tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn cháo bình thường và được điều trị bằng kháng sinh liều cao kết hợp. Đến nay, sau 5 ngày được theo dõi tại Bệnh viện, sức khỏe chị H. đã ổn định và được xuất viện.