Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phát triển game làm nền cho dịch vụ nội dung số

(VTC News) - VN nên phát triển các dịch vụ giải trí nói chung và game nói riêng theo hướng làm nền cho các dịch vụ nội dung số khác phát triển theo.

(VTC News) - Để mở đường cho ngành nội dung số tăng tốc đồng thời thực hiện “Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh CNTT-TT”, VN nên phát triển các dịch vụ giải trí nói chung và game nói riêng theo hướng làm nền cho các dịch vụ nội dung số khác phát triển theo.


Tiến sỹ Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách phát triển Công nghiệp phần mềm Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN chia sẻ bên lề sự kiện Gặp gỡ ICT đầu Xuân năm nay mang chủ đề “CNTT-TT Việt Nam năm 2012: Cơ hội và thách thức mới” vừa diễn ra tối 17/2, do VAIP tổ chức và VTC Intecom tài trợ chính.

Năm khó khăn với ngành CNTT-TT

- Nhân buổi gặp gỡ đầu Xuân của cộng đồng CNTT-TT VN, xin ông chia sẻ về dự báo về bức tranh CNTT 2012?

- Chúng ta đã đi qua năm 2011 với nhiều khó khăn và năm 2012 cũng vậy, chúng ta phải xác định rằng các điều kiện khách quan ấy sẽ ảnh hưởng phần nào đến hoạt động về CNTT, của các DN, của các tổ chức và cả các dịch vụ CNTT. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng là cơ hội rất lớn. Nghị quyết TW4 đã khẳng định CNTT là một hạ tầng mềm của toàn bộ nền kinh tế xã hội. Và những lần đầu tiên trong một đề án, một chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng của TW, những khái niệm trong ứng dụng CNTT được đưa vào như là Hệ thống hạ tầng thông minh, thành phố Smart City, thẻ công dân điện tử, chính phủ điện tử,… Đặc biệt, Nghị quyết khẳng định, CNTT sẽ là động lực quan trọng chủ yếu để CNH, HĐH đối với các ngành kinh tế, các lĩnh vực.

Tiến sĩ Bùi Mạnh Hải cho rằng Việt Nam nên phát triển các dịch vụ giải trí để phục vụ cho nền công nghiệp nội dung số 

- Ông vừa nhắc đến “hạ tầng mềm của nền kinh tế” và thời gian gần đây, cụm từ này được nhắc đến nhiều khi nói về CNTT-TT. Có thể hiểu từ này theo cách đơn giản nhất như thế nào, thưa ông?


- Đó chính là sự kết nối xuyên suốt giữa các thành tố cấu trúc của nền kinh tế. Nếu các thành tố cấu trúc mà đứng đơn lẻ, không liên kết với nhau thì sẽ rất thiếu thông tin của nhau để phát triển và các thành tố ấy sẽ phát triển 1 cách đơn độc. Nếu như Chính phủ, người dân, doanh nghiệp hay các yếu tố hệ thống kết cấu hạ tầng như năng lượng, giao thông, thủy lợi, nước và CNTT –TT kết nối với nhau và có thông tin của nhau, để tối ưu hóa việc xử lý thông tin thì nền kinh tế sẽ phát triển hiệu quả hơn. Và, cùng với đó, Chính phủ sẽ có những quyết sách đúng đắn hơn khi quản lý đất nước với các hệ thống được kết nối thông suốt.

- Cách đây 2 tháng, Bộ Thông tin Truyền thông tự đánh giá,“Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh CNTT-TT” đang ở giai đoạn đầu sau 1 năm triển khai. Ông đánh giá về việc này thế nào?


- Thực ra tư tưởng của Đề án là hết sức đúng đắn và chúng tôi ủng hộ.

Thế nhưng trong quá trình triển khai thì lại có nhiều điểm vấp. Đơn cử như triển khai các dự án cụ thể, khi hỏi về nguồn lực thì lại không có, mà triển khai mà thiếu nguồn lực thì không thể thực hiện được. Cho nên, khi ta đưa ra dự án, ta phải tính toán các nguồn lực thực hiện có thể lầ từ nguồn ngân sách, hoặc là nguồn của các doanh nghiệp hoặc là các hình thức khác để dự án được hiện thực hoá.

- Vậy vấn đề là do chưa xác định được đúng thực tế khi xây dựng đề án này, thưa ông?


Do chúng ta không lường được thực tế. Khi xây dựng Đề án, chúng ta mong muốn đạt được mục tiêu và đó là khát vọng hết sức đúng đắn nhưng khi tính toán thực tế, chúng ta thiếu sự cân đối. Đề án chưa chỉ rõ được các nguồn lực thực hiện ở đâu, yếu tố nào từ ngân sách, những việc gì mang nguyên tắc của ngân sách, việc gì do doanh nghiệp bỏ vốn ra để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Các DN game nên chủ động thanh minh


- Cũng chiếm một phần không nhỏ trong việc hiện thực hoá đề án, nhưng các doanh nghiệp nội dung số hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có những biện pháp siết chặt của các cơ quan quản lý. Điều đó làm cho việc phát triển nội dung số, mà đặc biệt là Game, ngày càng khó khăn, thưa ông?


- Thực ra, game là một xu thế tất yếu của thế giới, nó là tiến bộ khoa học công nghệ mà nước ngoài đã đi trước chúng ta nhiều năm nay. Tôi đánh giá nó có hiệu quả đối với xã hội, hiệu quả giáo dục đào tạo tốt, nhưng bên cạnh đó, sự chuẩn bị về con người, xã hội chưa thật tốt nên tạo ra những ảnh hưởng.

Có những hành vi trong xã hội chưa chắc là do học ở Game nhưng game là cái trừu tượng nhất và đổ lỗi dễ nhất, nên người ta sẵn sàng đổ tội cho game. Nhiều yếu tố xuất phát từ việc thiếu giáo dục của gia đình, thiếu giáo dục của nhà trường, thiếu tu dưỡng của bản thân nhưng cũng bị xã hội đổ cho game.

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật bao giờ cũng có mặt trái của nó. Nếu muốn quản lý nhà nước phải hạn chế mặt trái và thúc đẩy nó phát triển chứ hoàn toàn không nên cấm game.

- Nhưng các doanh nghiệp sản xuất và phát hành game hiện đang rất lúng túng vì các cơ chế quản lý siết chặt, thưa ông?


- Vừa qua, báo chí và dư luận xã hội, đưa nhiều thông tin tiêu cực, những điều tiêu cực của xã hội đều bị đổ thừa cho game. Tôi nghĩ rằng ngành game nên chủ động thanh minh cho mình và đó cũng là việc phải làm để các doanh nghiệp game trong nước có cơ hội phát triển.

Về phía ngành game, cũng phải chấn chỉnh lại, tự đánh giá xem mình có làm gì chưa tốt? Hay có đang quá chạy theo doanh số, doanh thu mà quên tất cả những yếu tố xã hội khác nữa để phát triển hài hoà.

Mạnh dạn tiến vào thị trường xuất khẩu

- Có ý kiến cho rằng với ngành công nghiệp nội dung số phát triển chưa đều, mà chủ yếu thiên về game, thì VN nên hạn chế sự phát triển của game để cho các mảng khác, như Giáo dục điện tử, Y tế điện tử, Thương mại điện tử,… phát triển. Ông có đồng tình với ý kiến này không?


- Tôi cho rằng không nên hạn chế một mảng nào mà dùng cơ chế để thúc đẩy các mảng khác, các lĩnh vực phát triển. Ví dụ, khi các nhà cung ứng dịch vụ nội dung giải trí đã xây dựng hạ tầng hay đường truyền rất tốt rồi, ta nên có định hướng cụ thể để thúc đẩy và phát triển Y tế điện tử. Như vậy, chúng ta khuyến khích để cho bà con sử dụng dịch vụ Y tế điện tử, để giảm tải cho các bệnh viện.

Tóm lại, chúng ta sẽ phát triển các dịch vụ giải trí theo hướng làm nền cho các dịch vụ nội dung khác phát triển theo.

- Năm 2011 cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng của VTC khi chính thức xuất khẩu 4 game tự sản xuất ra thị trường nước ngoài, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn có vẻ đang dè dặt với mảng này. Ông đánh giá thế nào về thị trường xuất khẩu game trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng lĩnh vực này rất tiềm năng và các doanh nghiệp lớn nên mạnh dạn thử sức. Ta có nguồn nhân lực tốt làm về CNTT và người VN rất sáng tạo trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới có nhu cầu game rất lớn. Nếu chúng ta làm sản xuất game mà đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường họ thì đây là thị trường vô cùng tiềm năng. Sẵn nguồn nhân lực, sẵn tính cần cù, sẵn trí tuệ và sự sáng tạo của người Việt, chúng ta nên nghiên cứu kỹ thị hiếu và nhu cầu của nước bạn để xuất khẩu game.

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp game nên đáp ứng yêu cầu của chính người Việt, tạo ra những game độc đáo, mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, để thông qua game, người ta dễ dàng để tìm hiểu bản sắc dân tộc lịch sử, văn hóa, dân tộc của người Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Hết năm 2011, VTC có tập khách hàng hơn 23 triệu người thường xuyên sử dụng dịch vụ nội dung số và dịch vụ giải trí trực tuyến. Không chỉ phát hành ở thị trường nội địa, lĩnh vực Nội dung số của VTC đã vươn ra thị trường Asean+3... và đặc biệt thành công ở thị trường Hàn Quốc. Năm 2011 cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng của VTC khi chính thức xuất khẩu được 4 game tự sản xuất ra thị trường nước ngoài.


Bên cạnh đó, VTC đã đạt được một số kết quả trong ứng dụng CNTT vào lĩnh vực giáo dục, phối hợp thành công với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng với sự tham gia của 63 tỉnh thành, hơn 33 nghìn trường học, 4,6 triệu học viên, trong đó bình quân có 2 triệu học viên dự thi mỗi tháng. Đến đầu năm 2012, Mạng Việt Nam Go.vn với mục tiêu hướng đến cộng đồng giới trẻ, học sinh sinh viên, đã thu hút được 12 triệu thành viên đăng kí.


Anh Lê
(thực hiện)

Nguồn:

Tin mới