Việc đấu thầu 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia sẽ bao gồm cả hơn 178.000 tấn gạo đã đấu thầu tháng trước của 28 doanh nghiệp trúng thầu nhưng phần lớn đã từ chối không ký hợp đồng để bàn giao gạo.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải tổ chức đấu thầu lại hơn 180.000 tấn gạo dự trữ vì bị doanh nghiệp 'xù'. (Ảnh minh họa: Moit)
Tổng cục Dự trữ Nhà nước dự kiến hoàn thành nhập kho hơn 180.000 tấn gạo trong tháng 6, chậm hơn kế hoạch ban đầu 15-30 ngày. Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quán triệt đến các Cục dự trữ Nhà nước phải khẩn trương tổ chức mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng giao 190.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2020.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước trước đó mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn). Trong đó, 2 doanh nghiệp ký đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, còn lại 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng.
Những năm trước cũng có một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi trúng nhưng số lượng rất ít, không quá ảnh hưởng đến nguồn dự trữ quốc gia hàng năm. Tuy nhiên, năm nay, mới xuất hiện hiện tượng hàng loạt các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân các nhà thầu trúng thầu gạo nhưng từ chối ký hợp đồng là vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu của thị trường xuất khẩu gạo tăng cao, giá gạo liên tục tăng từ thời điểm dự thầu tới khi có kết quả trúng thầu nên nhà thầu không thực hiện được và có văn bản từ chối ký hợp đồng.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp bỏ thầu lần này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu mua dự trữ gạo quốc gia hiện nay.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức đảm bảo dự thầu cao hơn hoặc thêm chế tài xử lý khác.