Đó là dấu vết kali trong các hỗn hợp hoàn toàn khác với thiên thạch hiện đại, được tìm thấy trong các thiên thạch nguyên thủy hạ cánh xuống hành tinh trong thuở sơ khai. Nhưng cái chúng đem đến không chỉ là kali, mà còn là bí mật về sự hình thành của hệ Mặt Trời, bao gồm Trái đất.
Bên trong một thiên thạch nguyên thủy. (Ảnh: Nicole Nie)
Tiến sĩ Nicole Nie từ Viện Công nghệ California (Caltech), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Các điều kiện khắc nghiệt được tìm thấy trong phần lõi các ngôi sao cho phép các ngôi sao tạo ra các nguyên tố bằng phản ứng tổng hợp hạt nhân. Mỗi thế hệ sao gieo mầm nguyên liệu thô mà từ đó các thế hệ tiếp theo được sinh ra và chúng ta có thể theo dõi lịch sử của vật liệu này".
Hàng tỷ năm trước, một số vật chất bị bắn tung sau khi một số ngôi sao cổ đại chết và tạo thành siêu tân tinh. Các mảnh "xác sao" dưới dạng khí và bụi này tích tụ thành những đám mây phân tử. Hơn 4,5 tỷ năm trước, một đám mây "xác sao" như thế đã tự sụp đổ, bồi tụ thành Mặt Trời.
Tàn dư của quá trình này tiếp tục tạo thành một đĩa bồi tụ quanh mặt trời sơ sinh. Cuối cùng các hành tinh và vật thể khác trong hệ kết hợp lại từ chiếc đĩa này.
Chúng không chỉ là 8 hành tinh, các hành tinh lùn, tiểu hành tinh ngày nay mà còn là các hành tinh, tiểu hành tinh lớn đã bị vỡ hàng tỷ năm trước.
"Bằng cách nghiên cứu các biến thể trong hồ sơ đồng vị được lưu giữ trong thiên thạch, chúng tôi có thể theo dõi nguồn nguyên liệu mà từ đó chúng hình thành và xây dựng dòng thời gian đại hóa học về quá trình tiến hóa của hệ mặt trời và hành tinh chúng ta" - SciTech Daily dẫn lời đồng tác giả Da Wang từ Đại học Công nghệ Thành Đô (Trung Quốc).
Cũng theo "chuyện kể" từ các thiên thạch, quá trình "luân hồi" của vũ trụ đã tạo ra một Trái đất và Mặt trời được tạo thành từ hỗn hợp của các thiên thể chết; sau này khi Mặt Trời cạn năng lượng và nổ tung - khả năng cao là Trái đất nổ theo - đám mây khí bụi chết chóc đó sẽ tiếp tục hoài thai những thế giới mới.