Theo Sci-News, James Webb vừa phát hiện ra 2 thứ cực kỳ quan trọng là carbon dioxide (CO2) và methane (CH4) trong bầu khí quyển của K2-18b, là những "dấu hiệu của sự sống tiềm năng" mà các nhà thiên văn học luôn trông đợi tìm ra ở các ngoại hành tinh.
Ngoài ra, K2-18b còn nằm gọn trong "vùng sự sống" của ngôi sao lùn đỏ K2-18, nằm cách chúng ta 111 năm ánh sáng trong chòm sao Sư Tử.
Siêu Trái đất đại dương K2-18b và ngôi sao lùn đỏ mà nó quay quanh - (Ảnh đồ họa: NASA/ESA/CSA/ĐẠI HỌC CAMBRIDGE)
Đó là một hành tinh có bán kính gấp 2,2 lần Trái đất và nặng gấp 8 lần. Nó có nước ở dạng lỏng, rất nhiều nước, vì là một thế giới đại dương. Có thể xem nó là loại hành tinh "siêu Trái đất" hoặc "tiểu Hải Vương Tinh", vì kích cỡ và khối lượng nằm lưng chừng.
Hành tinh này quay quanh sao mẹ mỗi 22 ngày ở khoảng cách 0,15 AU (tức đơn vị thiên văn, 1 AU bằng với khoảng cách Mặt trời - Trái đất), có một bạn đồng hành là hành tinh lớn gấp 7,5 lần Trái đất mang tên K2-18c, nhưng cái này có thể quá nóng để sống.
Khoảng cách vừa phải với ngôi sao mẹ mát lạnh hơn nhiều so với Mặt trời giúp K2-18b nhận ánh sáng khoảng 1,28 lần so với địa cầu và có nhiệt độ trung bình là âm 2 độ C.
Một "phát hiện vàng" khác là dấu hiệu của dimethyl sulfide (CH₃)₂S, thứ mà ở Trái Đất chỉ có thể được tạo ra bởi sự sống.
Theo GS Nikku Madhusudhan từ Đại học Cambridge (Anh), người đứng đầu nghiên cứu quốc tế về K2-18b, họ kết luận đây là một hành tinh đại dương - sau này thường được gọi là Hycean - là do không phát hiện amoniac trong bầu khí quyển. Bầu khí quyển của nó chủ yếu là hydro, bên cạnh các loại khí "dấu hiệu sự sống" nói trên.
Thông thường người ta hay tìm kiếm sự sống trên các hành tinh đá nhỏ cỡ Trái Đất, nhưng phát hiện mới này lại đem đến một hướng đi tiềm năng trong việc chứng minh nhân loại không cô đơn.
Cuộc tranh cãi về việc các Hycean sống được hay không vẫn đang sôi động, tuy nhiên có một thực tế là việc nhìn vào bầu khí quyển của chúng bằng các công cụ tối tân như James Webb dễ dàng hơn nhìn vào khí quyển hành tinh đá.