Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, trong quá trình triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu lực lượng công an xác định có nhiều cán bộ đặt hàng những kẻ trong đường dây nêu trên để làm văn bằng, chứng chỉ giả.
Kết quả mở rộng điều tra cho thấy, ngoài 199 bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ giả mà những kẻ trong đường dây thực hiện thành công chỉ trong thời gian từ 30/4- 5/5/2020 thì trước đó có một lượng lớn văn bằng, chứng chỉ giả được các đối tượng thực hiện trót lọt.
Các bằng đại học, cao đẳng mà các đối tượng làm giả rơi vào nhiều trường học khắp toàn quốc, trong đó tập trung nhiều nhất là các trường đại học, cao đẳng ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…
Cơ quan công an đọc lệnh bắt 4 kẻ trong đường dây làm giả con dấu, tài liêu. (Ảnh: CACC)
Lần theo dấu vết, cơ quan công an phát hiện "khách hàng" đặt làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ ở rất nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều người ở tuổi từ 30- 50. Qua lời khai của các đối tượng và qua điều tra cho thấy, có tình trạng nhiều cán bộ đang công tác tại các cơ quan nhà nước ở các tỉnh, thành mua văn bằng, chứng chỉ giả từ đường dây này.
Mục đích của việc đặt mua các văn bằng, chứng chỉ giả của những cán bộ này là nhằm để bổ sung đầy đủ bằng cấp theo quy định trước khi có hoạt động kiểm tra, hoặc phục vụ cho việc lên chức.
Khi bị phát hiện đặt mua văn bằng, chứng chỉ giả, nhiều cán bộ lý giải rằng, mỗi văn bằng, chứng chỉ giả chỉ có giá từ 1-4 triệu đồng, trong khi nếu đi học sẽ mất thời gian, mặt khác nếu học chưa chắc đã thi đậu nên họ quyết định đặt mua văn bằng, chứng chỉ giả.
Một số tang vật của vụ án. (Ảnh: CACC)
Hiện phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó có nhiều trường đại học, cao đẳng để làm rõ những văn bằng, chứng chỉ giả mà nhiều cán bộ đặt mua từ đường dây này.
Ngày 7/5, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, đơn vị vừa phá thành công chuyên án 420B bắt giữ 4 người trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Người cầm đầu đường dây là Tạ Chí Hoàng (sinh năm 1992, trú tại An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM), cùng nhiều thành viên liên quan là Nguyễn Hồng Quân (SN 1995, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), Ngụy Minh Tá (SN 1995, trú tại phường 4, quận 5, TPHCM), Trần Xuân Lai ( SN 1992, trú Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).
Khi bị bắt những kẻ trong đường dây khai nhận, từ ngày 30/4 đến ngày 5/5, Tạ Chí Hoàng cùng 3 người còn lại thực hiện trót lọt 199 tài liệu của các cơ quan, tổ chức; thu lợi bất chính khoảng trên 300 triệu đồng.
Khi có nhu cầu làm văn bằng, chứng chỉ giả, khách hàng sẽ liên hệ trực tiếp với Hoàng thông qua tài khoản Zalo mà kẻ này đăng công khai trên trang website với mức giá dao động từ 1 đến 4 triệu đồng đối với 1 văn bằng, chứng chỉ.