Các nhà nghiên cứu của Viện Địa hóa thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã tìm thấy một lượng lớn nước trong các mẫu đất trên Mặt trăng, với hàm lượng ước tính ít nhất là 170 phần triệu, tương đương 170 gam nước/1 tấn đất Mặt trăng. Phát hiện, được công bố trên tạp chí Nature Communications đầu tháng 9, khẳng định các khoáng chất trên mặt Trăng là nguồn chứa nước quan trọng.
Tháng 1 vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc lần đầu xác nhận sự hiện diện của nước trong các mẫu lấy ở Mặt trăng, được tàu Thường Nga 5 đưa về Trái đất. Sau đó, vào tháng 6, nhóm nghiên cứu khác của Trung Quốc tuyên bố tàu thăm dò Mặt trăng đã phát hiện dấu hiệu của nước ở dạng hydroxyl tại bãi đáp, nhưng hàm lượng nước tổng thể của các mẫu tương đối thấp.
Tàu thăm dò Thường Nga 5 của Trung Quốc đã quay trở lại Trái đất vào ngày 17/12/2020, sau khi lấy được tổng cộng 1.731 g mẫu vật Mặt trăng từ khu vực Đông Bắc Oceanus Procellarum - ở vĩ độ cao hơn so với toàn bộ các tàu lấy mẫu trước đó.
Theo các nhà nghiên cứu, do thiếu bằng chứng trực tiếp từ việc phân tích mẫu, nên sự hình thành và phân bố của nước trên bề mặt Mặt trăng vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cung cấp tài liệu tham khảo cho sự phân bố nước ở khu vực vĩ độ giữa của Mặt trăng.