Bệnh nhân nhập viện ngày 12/9, với chẩn đoán mắt phải có u hốc mắt. Trong quá trình phẫu thuật bóc u mắt cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện có một con giun dài khoảng 5 - 6cm, xung quanh có nhiều ấu trùng. Đây là loại giun thường sống ký sinh ở các vật nuôi như chó, mèo và các nguồn nước bẩn…
Giun ký sinh trong u hốc mắt của bệnh nhân (Ảnh: BVĐK Lào Cai)
Bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: "Trước đó, tôi đã đi khám, điều trị tại nhiều cơ sở y tế nhưng cũng chỉ được chẩn đoán và điều trị theo biểu hiện như viêm tuyến lệ, phì đại tuyến lệ, chắp lẹo phía trong…".
Video: Ghê rợn giun kí sinh trong mắt người
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Khoa Mắt - BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh nhân có giun ký sinh trong u hốc mắt không có biểu hiện gì bất thường, không gây ngứa, cộm hoặc khó chịu nên trong quá trình chẩn đoán gây kết quả không chính xác.
Tuy nhiên, nếu không được phẫu thuật kịp thời, giun sẽ ký sinh sâu vào các thành phần tiếp theo của mắt, thậm chí vào não, gây hại đến sức khỏe con người.
Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân được gửi về Viện Ký sinh trùng trung ương xác định chủng loại giun ký sinh và có hướng điều trị phù hợp.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới trong 90 triệu người Việt Nam chiếm khoảng 80% dân số đang nhiễm phải giun. Tuy số lượng nhiều nhưng lại rất khó để xác định chính xác người bị nhiễm bệnh hay không chỉ xét qua những biểu hiện thông thường.
Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm, trẻ có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi đại tiện.