Các nhà khoa học vừa phát hiện ra bên dưới bề mặt đóng băng của Diêm Vương tinh - hành tinh nhỏ bé và xa xôi trong Hệ mặt trời - có nước ngầm. Và lượng nước có thể nhiều như các đại dương của Trái đất.
Phát hiện này được công bố ngày 16/11 trên chuyên san khoa học Nature.
Đại dương của Sao Diêm Vương ngập đầy băng và sâu khoảng 100 km, nằm dưới bề mặt bằng băng của hành tinh này 150 đến 200 km, Reuters dẫn lời Francis Nimmo, nhà khoa học về hành tinh của Đại học California Santa Cruz, nói.
Vì có quá nhiều băng trong đại dương, Sao Diêm Vương không phải nơi lý tưởng để sự sống sinh sôi nẩy nở, Richard Binzel, nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts và là một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, cho biết. Tuy nhiên, Binzel cũng nói rằng "không bao giờ nói chữ không thể".
Nước lỏng là thành tố không thể thiếu của sự sống.
Nghiên cứu này dựa trên các hình ảnh và dữ liệu do tàu vũ trụ New Horizons của NASA thu thập về.
Sao Diêm Vương nằm cách xa Mặt trời hơn 40 lần so với khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất. Dù vậy, Sao Diêm Vương vẫn còn đủ nhiệt phóng xạ sót lại từ lúc nó hình thành để giữ nước lỏng. Hành tinh này hình thành cách đây 4,6 tỷ năm.
Ông Nimmo giải thích Sao Diêm Vương có đủ đá nên có thể tạo ra một lượng nhiệt lớn và lớp vỏ băng dày hàng trăm km là một vật cách nhiệt tốt, ngăn không cho nhiệt bị thoát ra. Nhà khoa học này cho rằng vì vậy, chuyện có cả một đại dương ở bên dưới bề mặt Sao Diêm Vương là không bất ngờ, đặc biệt nếu đại dương này chứa ammonia, vốn có thể chống lại quá trình băng hóa.
"Điều nay chứng tỏ tự nhiên sáng tạo hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Vì vậy chúng ta lên đường khám phá", các nhà khoa học vui mừng tuyên bố.