Nằm cách Trái đất 336 năm ánh sáng, ngoại hành tinh này có tên là HD 106906, có kích thước tương đương Sao Mộc nhưng nặng gấp 11 lần. Quỹ đạo của nó nằm rất xa sao mẹ và quay quanh một hệ sao đôi.
HD 106906 được hình thành 15 triệu năm về trước. Các nhà khoa học tin rằng nó có thể là "phiên bản trong gương" của hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời.
Các nhà thiên văn học phát hiện anh em sinh đôi của hành tinh thứ 9 bí ẩn thuộc Hệ Mặt trời. (Ảnh: Reuters)
Khái niệm về hành tinh thứ 9 nằm cách xa sao Hải Vương bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 khi các nhà nghiên cứu tiết lộ bằng chứng toán học về một hành tinh nặng có kích thước gấp 4 lần và trọng lượng gấp 10 lần trái đất.
Ở rất xa mặt trời, nó sẽ có một quỹ đạo khổng lồ và mất rất nhiều thời gian để quay hết một vòng quanh mặt trời. Vì vậy, một năm trên hành tinh này dài bằng 10.000-20.000 năm ở Trái đất.
HD 106906 ở rất xa so với các sao trong hệ sao của nó với khoảng cách gấp 730 lần khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời.
Điều này làm cho việc tính toán các thông số của quỹ đạo của nó trở nên khó khăn vì quỹ đạo có hình dáng kéo dài và nghiêng. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do ban đầu hành tinh này di chuyển đến gần sao đôi, sau đó do tác động của lực hấp dẫn, nó gần như bị văng ra khỏi hệ sao này. Quỹ đạo của khối khí khổng lồ này chỉ ổn định trở lại sau khi một ngôi sao đi ngang qua nó.
Các nhà thiên văn học cho rằng một kịch bản tương tự cũng có thể đã xảy ra với hành tinh thứ 9.