Trong một cuộc họp báo vào sáng nay 17/2 (theo giờ địa phương) tại Điện Élysée, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng đang được triển khai ở Mali trong bối cảnh quan hệ giữa Paris và Bamako ngày càng rạn nứt.
Tổng thống Macron cho biết, quyết định rút quân được đưa ra khi Pháp và lực lượng đồng minh châu Âu gặp nhiều trở ngại trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mali.
Tuyên bố chung từ Pháp và các đồng minh châu Phi, châu Âu nêu rõ họ gặp nhiều trở ngại từ chính quyền quân sự ở Mali khiến các lực lượng nước ngoài không có đủ điều kiện về chính trị, pháp lý và tác chiến để hoạt động.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)
Quyết định trên có hiệu lực với cả lực lượng Barkhane của Pháp tại vùng Sahel và lực lượng Takuba của châu Âu, với sự tham gia của Pháp và các đồng minh. Theo đó, 2.400 binh lính Pháp đang tham chiến tại Mali và khoảng vài trăm quân thuộc lực lượng châu Âu triển khai đến Mali từ năm 2020 sẽ được rút dần.
Các căn cứ quân sự Pháp tại Mali gồm Gossi, Menaka và Gao cũng sẽ đóng cửa nhưng việc rút quân sẽ được thực hiện một cách quy củ có trật tự.
Tổng thống Macron cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Pháp và đồng minh đã thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo ở Tây Phi, trong đó Mali được xem là điểm nóng.
"Chúng tôi không thể tiếp tục hỗ trợ cho quân sự cho chính quyền Mali hiện tại khi cả hai không thể chia sẻ chiến lược và theo đuổi cùng một mục tiêu”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn Al Jazeera về thông tin Pháp sẽ rút quân, bà Delina Goxho, một chuyên gia về an ninh ở vùng Sahel nhận định việc rút quân sẽ để lại khoảng trống an ninh không hề nhỏ trong khu vực, tạo ra nguy cơ cho cả Mali và Niger.
Hãng tin AFP dẫn lời Olivier Salgado - phát ngôn viên phái bộ gìn giữ hòa bình (MINUSMA) của Liên hợp quốc tại Mali cho biết, Liên hợp quốc đang đánh giá tác động của việc Pháp và đồng minh rút quân, ngoài ra lực lượng sẽ có bước đi cần thiết để thích ứng các vấn đề trước mắt.
Việc triển khai quân của Pháp tại Mali cũng gặp phải rất nhiều vấn đề phần lớn đến từ sự thiếu hợp tác của chính quyền quân sự ở Bamako. (Ảnh: AP)
Pháp đã triển khai lực lượng đến Mali năm 2013 nhưng chưa đạt được mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn lực lượng nổi dậy Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ an ninh đến từ các nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đến từ các nước thuộc vùng Sahel ở Tây Phi và Vịnh Guinea.
Do đó, dù rút quân khỏi Mali, Pháp và đồng minh vẫn kêu gọi tiếp tục ủng hộ nỗ lực chống khủng bố và nhất trí tiếp tục kế hoạch hành động chung để đẩy lùi khủng bố tại vùng Sahel, trong đó có Niger và vùng Vịnh Guinea.
Hiện có khoảng 25.000 binh lính nước ngoài được triển khai tới vùng Sahel ở Tây Phi, trong đó có 4.300 binh lính Pháp và sẽ giảm xuống còn 2.500 người vào năm 2023 theo kế hoạch giảm quân số công bố năm 2021. Thời kỳ đỉnh điểm, Pháp triển khai 5.400 quân tới khu vực.
Việc triển khai quân của Pháp tại Mali cũng gặp phải rất nhiều vấn đề. Trong số 53 binh sĩ Pháp thiệt mạng đang phục vụ trong sứ mệnh Barkhane ở Tây Phi có đến 48 người hy sinh ở Mali