Mở đầu bài diễn văn khai mạc phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Người đứng đầu nước Pháp cho biết sẽ không thừa nhận chủ quyền đối với bất kỳ vùng lãnh thổ của Ukraine được sát nhập vào Nga. Tuy nhiên, ông Macron khẳng định sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Putin để tìm kiếm cơ hội đưa hoà bình trở lại và dự kiến sẽ điện đàm với nhà lãnh đạo Nga trong ít ngày tới để bàn về vấn đề hạt nhân.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)
Nội dung tiếp theo được Tổng thống Pháp Macron đề cập là hàn gắn sự chia rẽ, bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các nước phía Bắc và phía Nam do dịch bệnh COVID-19, chiến tranh, xung đột… Ông Macron khẳng định các nước G20 sẽ sử dụng 30% quyền rút vốn đặc biệt để huy động 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển. Diễn đàn Paris vì Hoà bình diễn ra vào tháng 11 tới sẽ bàn thảo về vấn đề này để đưa các đề xuất trình lên Thượng đỉnh G20 tại Indonesia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặc biệt bày tỏ lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu khi thế giới đã chứng kiến lũ lụt lịch sử khiến 1/3 đất nước Pakistan chìm dưới nước, đợt hạn hán kỷ lục trong 40 năm qua tại vùng Sừng châu Phi, các nạn đói tại Somali, Yémen, Nam Sudan...
Theo ông Macron, hơn một nửa dân số thế giới đang phải sống trong vùng khí hậu nguy hiểm, một nửa hệ sinh thái của Trái đất đã bị tàn phá và hiện có khoảng 345 triệu người đang trong tình trạng thiếu lương thực, trong đó 153 triệu là trẻ em. Ông Macron cam kết hỗ trợ thực thi thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và các chương trình lương thực thế giới để tránh nguy cơ khủng hoảng lương thực, nhất là tại châu Phi.
Cuối cùng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cải cách cơ quan này để mang tính đại diện hơn cho cộng đồng quốc tế: “Tôi mong muốn cải cách Hội đồng Bảo an. Để mang tính đại diện hơn, cơ quan này cần chào đón thêm các thành viên thường trực mới để có thể phát huy hết vai trò của mình, cũng như hạn chế việc lạm dụng quyền phủ quyết”.