Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Pháp luật quy định thế nào là chở hàng cồng kềnh?

(VTC News) -

Thông tư 07/2010/TT- BGTVT ngày 11/2/2010 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn...

Bộ GTVT ban hành thông tư số 07/2010/TT- BGTVT ngày 11/2/2010 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Khoản 4, 5 Điều 18 Thông tư nêu trên quy định: Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hoá, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hoá tính từ mặt đường xe chạy là 2 mét.

Không khó để bắt gặp những phương tiện chở hàng cồng kềnh trên đường.

Xe thô sơ không được xếp hàng hoá vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1 mét.

Như vậy, phương tiện chở hàng hóa vượt quá kích thước quy định nêu trên được xem là chở hàng cồng kềnh.

Căn cứ theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Như vậy, hành vi chở hành cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng, căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau:

“Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính…”

BẢO HƯNG

Tin mới