Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phan Văn Đức đứt dây chằng: Cơn ác mộng của sự nghiệp cầu thủ

(VTC News) -

Chấn thương đầu gối của Phan Văn Đức chỉ là một điển hình của cơn ác mộng mà không cầu thủ chuyên nghiệp nào muốn đối diện.

Phan Văn Đức dính chấn thương dây chằng đầu gối. Dự kiến cầu thủ này mất 9 tháng để bình phục. Đây đã là lần thứ hai Văn Đức mắc phải loại chấn thương này, và tệ hơn là nó xảy đến ở cùng một vị trí. Văn Đức sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể trở lại sân cỏ. 

Chấn thương dây chằng được coi là một trong những "cơn ác mộng" đối với các cầu thủ. Thông thường, họ phải mất khoảng nửa năm trở lên mới có thể thi đấu trở lại. Tuy nhiên, kể cả khi đã bình phục, các cầu thủ từng bị đứt dây chằng cũng rất khó chơi bóng ở trạng thái như trước khi tổn thương.

Văn Đức tái phát chấn thương đầu gối lần thứ hai

Theo Kam Bhabra, chuyên gia y học thể thao từng làm việc ở Arsenal trong vai trò trưởng bộ phận trị liệu của đội trẻ, đứt dây chằng chéo trước đứng thứ 5 trong danh sách những loại chấn thương phổ biến nhất của cầu thủ bóng đá.

Khó trở lại như xưa

Ronaldo "người ngoài hành tinh" là một trong những huyền thoại của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, sự nghiệp đỉnh cao của chân sút người Brazil kết thúc sớm mà một trong những nguyên nhân lớn nằm ở chiếc đầu gối của anh.

Tháng 11/1999, trong trận đấu giữa Inter và Lecce, Ronaldo dính chấn thương rách dây chằng. Cầu thủ này ngồi ngoài đến cuối mùa, tái xuất trong cuộc đấu với Lazio. Ronaldo lúc ấy chưa ở tình trạng thể lực tốt nhất. Và cơn ác mộng xảy đến. Sau một tình huống đảo chân, Ronaldo gục xuống. Dây chằng của anh đứt hoàn toàn.

Ronaldo mất gần 2 năm để trở lại với sân cỏ. Anh đóng góp lớn vào chức vô địch World Cup 2002. Nhưng đó là điểm sáng duy nhất của cầu thủ này. Những chấn thương dai dẳng ở đầu gối khiến Ronaldo thường xuyên làm bạn với giường bệnh. Người ta cũng ít thấy Ronaldo đi bóng, Ronaldo đảo bóng hay làm những động tác khó, bởi cái đầu gối của cầu thủ này không đáp ứng được yêu cầu cơ bản ấy.

Sự nghiệp của Đình Trọng ảnh hưởng nặng nề bởi chấn thương đầu gối.

Không cần lấy ví dụ đâu xa. Phan Văn Đức không phải trường hợp duy nhất trong đội hình U23 Việt Nam làm nên kỳ tích Thường Châu năm 2018 dính chấn thương dây chằng. Có tổng cộng 7 cầu thủ trải qua "cơn ác mộng" như vậy.

Trong đó, Trần Đình Trọng là cái tên để lại nỗi tiếc nuối lớn nhất. Chấn thương đứt dây chằng năm 2019 đã cướp đi quá nhiều thứ của Đình Trọng. Anh phải nghỉ thi đấu một thời gian dài, tái phát chấn thương liên tục. Đầu năm nay, Đình Trọng đứt dây chằng lần thứ hai.

Điểm chung những cầu thủ dính chấn thương dây chằng và sụn chêm, là họ gần như đánh mất chính mình. Họ không còn thể hiện được phẩm chất dị biệt vốn có. Tâm lý sợ hãi sau chấn thương ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực trở lại. Nhưng tâm lý ấy xuất phát từ chính những hệ lụy không thể khắc phục được của chấn thương đầu gối. 

Cách phòng tránh chấn thương dây chằng

Trò chuyện với VTC News, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy - từng làm việc cho tuyển Việt Nam và U23 - nhận định chấn thương dây chằng yếu tố tất yếu trong thể thao, đặc biệt là bóng đá. Chỉ cần một động tác sai kỹ thuật, cầu thủ rất dễ dính chấn thương. 

Khi cầu thủ xoay chuyển đổi hướng đột ngột nhưng chân vẫn giữ ở dưới mặt đất, nghĩa là đầu gối bị vặn thì chấn thương này sẽ xảy ra. Một ví dụ cụ thể khác khi cầu thủ nhảy lên đánh đầu, nhưng do cảm nhận không gian chưa chính xác, nên chân tiếp đất bị hụt thì cũng dễ dẫn đến chấn thương”.

Tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy cho biết thêm thể lực là yếu tố chính dẫn tới sự sai lệch trong các động tác phối hợp của cơ thể.

Duy Mạnh là một trong những cầu thủ của đội hình U23 Việt Nam năm 2018 bị đứt dây chằng đầu gối.

Chung quy lại những điều này xảy đến khi cơ thể mệt mỏi, dẫn tới sự phối hợp động tác chưa được nhuần nhuyễn. Một số cầu thủ có tố chất tốt, cơ thể đặc biệt thì họ ít khi xảy ra chấn thương. Chúng ta có thể thấy những cầu thủ hàng đầu thế giới, có số má rất ít gặp chấn thương, đặc biệt là chấn thương nặng. Bởi họ được trời phú cho thể lực tuyệt vời, bên cạnh đó kỹ thuật cũng rất tốt, thực hiện chính xác đến hoàn hảo”.

Muốn giảm thiểu vấn đề chấn thương đầu gối, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy khuyên các cầu thủ cũng như người chơi bình thường cần tăng cường thể lực trong lúc vận động mạnh. 

Thứ nhất, chúng ta phải đảm bảo thể lực sung mãn và mạnh khỏe. Thể lực tốt thì cơ thể điều khiển đôi chân chính xác hơn. Đó là lý do tôi rất thích một chia sẻ của Văn Quyết. Nó rất tốt và chính xác. Bạn ấy nói rằng tôi chỉ thực sự sẵn sàng ra sân khi nắm chặt tay và cảm thấy nắm đấm của mình chắc chắn. Đó là khi Văn Quyết thực sự cảm thấy khỏe mạnh để ra sân thi đấu. Kinh nghiệm ấy rất tuyệt vời. 

Thứ hai là chúng ta phải đảm bảo kỹ thuật phải tốt, nhuần nhuyễn trên nền tảng thể lực phải được đảm. Thứ ba là luôn luôn bổ sung nước và điện giải cho cơ thể khỏe mạnh nhất”. 

Văn Hải

Tin mới