Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phân loại rác thải tại nguồn: Khó hay dễ?

(VTC News) -

Phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không khó nhưng cần sự ý thức của người dân và quy trình thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý đúng cách.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu. Nó không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Chính vì vậy, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm VOV FM89 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã lập ra Hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm – Bảo vệ môi trường và hành động của bạn” để giải đáp thắc mắc của quý thính giả về các vấn đề liên quan đến môi trường.

Theo đó, chủ đề của hộp thư số 6 là “Phân loại rác thải tại nguồn: Khó hay dễ?" Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các thính giả trên cả nước. Qua đường dây nóng 0243.773.8989, chương trình nhận được câu hỏi của thính giả Lê Hạnh có 3 số điện thoại cuối là 772 với nội dung như sau:

"Bản thân tôi cũng được nghe nhiều về lợi ích của việc phân loại rác. Nhưng tôi chưa biết thế nào là rác hữu cơ hay rác tái chế. Mong chương trình giải đáp giúp tôi".

Phân loại rác tại nhà là thói quen tốt của các hộ gia đình.

Với câu hỏi này, GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam giải đáp như sau:

"Rác hữu cơ là rác có khả năng phân hủy sinh học, có thể tái chế được thành phân bón vi sinh. Bạn có thể thấy những người làm nghề thu lượm ve chai, đồng nát thường đi đến từng nhà và thu gom những vật dụng có thể tái chế, thì đó chính là rác hữu cơ. Để hiểu hơn về khái niệm này, bạn có thể tham khảo hướng dẫn từ Bộ Tài nguyên Môi trường và các hướng dẫn từ cơ quan địa phương".

Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Rác hữu cơ dễ phân hủy là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết...), vỏ trái cây.

Rác thải khó phân hủy là các loại rác như sành, sứ, gỗ vụn, nilon, đồ da, đồ cao su. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như giấy, carton, kim loại, các loại nhựa. Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.

Qua email của chương trình là vovfm89@gmail.com, chương trình nhận thêm được câu hỏi từ thính giả có địa chỉ email minhngocbg1210@gmail.com với nội dung như sau:

"Gia đình tôi ở Hà Nội, chúng tôi đã thực hiện phân loại riêng biệt nhưng khi xe rác đến thu gom thì nhân viên thường quăng chung lên thùng xe. Mong chương trình giải đáp giúp chúng tôi nguyên nhân của sự bất cập này".

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, nguyên nhân của điều này đến từ việc thiếu sự đồng bộ trong quá trình phân loại rác tại nguồn, từ khâu thu gom vận chuyển các loại rác đã được phân loại tại nguồn đến khâu xử lý rác đã được phân loại một cách phù hợp.

"Việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi cả một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo đằng sau. Cho nên, các địa phương cần tìm ra được một biện pháp đồng bộ từ phân loại, đến thu gom, vận chuyển, xử lý một cách phù hợp với đặc thù của từng địa phương", GS.TS Đặng Kim Chi cho hay.

Ngoài những câu hỏi được các bạn thính giả gửi về hòm thư, tại hộp thư số 6, chương trình còn nhận được những chia sẻ, cách làm hay về vấn đề phân loại rác tại nguồn. Bà Đỗ Thị Hằng – Phó bí thư Chi bộ thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội – nơi áp dụng thành công mô hình phân loại rác có những chia sẻ và gợi ý về cách phân loại cũng như cách thu gom rác thải.

Cần nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

"Bước đầu, chúng tôi triển khai việc phân loại rác theo từng hộ gia đình. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các hộ phân loại rác trong bếp nhà mình. Vào các buổi chiều thứ 3, thứ 5 và thứ 7, các hộ sẽ có trách nhiệm mang thùng rác hữu cơ đã phân loại ra cổng để. Chúng tôi sẽ thành lập tổ thu gom rác của thôn vào các buổi chiều thứ 3, thứ 5 thứ 7 để mang về điểm tập kết. Cơ sở chúng tôi là nơi sản xuất nông nghiệp nên rất nhiều ruộng. Chúng tôi sẽ tìm những địa điểm gần ngay cạnh các ruộng và để những thùng như vậy để ủ thành phân hữu cơ".

Qua đó có thể thấy rằng, việc phân loại rác tại nguồn không khó. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là người dân chưa có ý thức phân loại rác. Hầu hết mọi người cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác.

Bên cạnh đó, quy trình thu gom, vận chuyển các loại rác đã được phân loại tại nguồn cũng chưa được thực hiện đúng cách, nhiều loại rác đã được phân loại rồi nhưng khi đến điểm tập kết rác thì lại để lẫn với nhau, gây khó khăn cho việc xử lý rác. Nếu việc phân loại rác được làm triệt để và có quy trình chặt chẽ, nó có thể làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người.

Bảo Anh

Tin mới