Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, dự đoán, phân khúc chung cư vẫn là sản phẩm chủ đạo của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2020.
Bởi vì, tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, quỹ đất để phát triển nhà ở không còn nhiều, trong khi dân số lại ngày càng tăng. Vì vậy, hai thành phố này phải ưu tiên để phát triển chung cư, tận dụng quỹ đất để phát triển nhà cao tầng.
Ở những địa phương khác có quy mô nhỏ hơn, tiềm năng phát triển đất nền và các dự án nhà liền kề là khá rõ ràng.
Phân khúc bất động sản nào sẽ lên ngôi năm 2020?
Bên cạnh đó, theo ông Đính, phân khúc biệt thự cao cấp cũng sẽ “hút” người giàu tại Việt Nam trong năm 2020.
Hiện nay, tại Việt Nam, nhóm khách hàng có thu nhập cao đang tăng lên rất nhanh. Đặc biệt, Việt Nam có tỷ lệ người giàu tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đối với nhóm khách hàng này, nhà không chỉ đơn thuần là nơi để ở và họ yêu cầu chất lượng cuộc sống phải cao hơn. Nhóm khách hàng này tại Hà Nội và TP.HCM là rất lớn và nhu cầu mua các căn biệt thự cao cấp, sang trọng cũng "tăng nhiệt" qua từng năm.
Ngược lại với nhu cầu rất lớn thì nguồn cung ra thị trường lại nhỏ giọt. Bởi vì, phân khúc biệt thự cao cấp là sản phẩm “hiếm” do không còn nhiều quỹ đất phát triển trong trung tâm thành phố mà chỉ những khu vực ven đô mới có thể làm được các dự án này.
Ví dụ, tại Hà Nội có khu vực Thanh Trì, Quốc Oai, Thạch Thất... TP.HCM thì có khu Gò Vấp, Q.12...
Nói tóm lại, phân khúc biệt thự cao cấp dù đắt nhưng “cháy hàng” trong năm 2019 vẫn là do nhu cầu vượt quá nguồn cung.
“Một dự án khu đô thị xanh nằm ở khu vực Thanh Trì (Hà Nội) đưa ra thị trường không tới 1.000 căn hộ biệt thự cao cấp, trong khi đó, nhóm người giàu ở Hà Nội có nhu cầu mua có thể lên tới vài nghìn”, ông Đính dẫn chứng.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng trong năm 2020.
Theo ông Nam, trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm, thời gian nghỉ trung bình 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ 3 - 4 ngày… Việt Nam sẽ cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp.
Cùng với đó, ông Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp đang có cơ hội lớn. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
“Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”, ông Nam nhận định.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), lại cho rằng phân khúc nhà giá rẻ sẽ lên ngôi trong năm 2020. Theo ông Khởi, nguồn cung nhà ở giá rẻ đang rất thiếu.
“Các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án của mình và chắc chắn, năm 2020 sẽ có sản phẩm bán ra. Năm nay, nguồn cung sản phẩm ít là do nhiều dự án phải tạm dừng để điều chỉnh. Cơ quan chúng tôi cũng đang tiếp nhận rất nhiều dự án nộp đơn xin điều chỉnh cơ cấu, thậm chí điều chỉnh từ condotel sang nhà ở, với số lượng có thể lên tới vài ngàn căn”, ông Khởi cho biết.
Theo ông Khởi, Bộ Xây dựng luôn khuyến khích, xây dựng cơ chế ưu đãi cho loại nhà ở thương mại giá thấp để thúc đẩy nguồn cung. Đây là yếu tố cần thiết để thúc đẩy thị trường. Về phía doanh nghiệp, hiện là thời điểm cần thay đổi cơ cấu sản phẩm.
“Nếu doanh nghiệp phát triển theo hướng này, tôi tin là sản phẩm ra đến đâu sẽ bán hết hàng đến đó”, ông Khởi nhận định.