Thời phong kiến ở Trung Quốc, hoàng đế và các phi tần trong hậu cung cần rất nhiều kẻ hầu người hạ. Trong đó, thái giám và cung nữ là những người được chọn để chuyên phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi, mặc quần áo… cho các vị chủ tử. Các cung nữ thường là người có địa vị thấp nhất trong hậu cung.
Cung nữ được tuyển vào cung để chuyên phục vụ cho hoàng đế và các phi tần. (Ảnh minh họa: Sohu)
Thân phận “con sâu, cái kiến”
Đa phần cung nữ được chọn từ trong dân thường. Họ xuất thân từ gia đình phẩm chất tốt. Ngoài ra, còn bộ phận cung nữ do gia đình phạm tội sẽ bị ép làm cung nữ chuyên làm những công việc hạ đẳng. Bên cạnh đó, còn một số cung nữ do các quan địa phương hoặc các nước nhỏ hơn hiến tặng. Họ rất xinh đẹp, có thể múa, đàn hát, thêu thùa…
Cung nữ nhập cung phải chịu sự dạy bảo, rèn giũa của nhóm người quản lý. Họ được đào tạo từ việc đi đứng, chải đầu, trang điểm cho đến việc ăn, ngủ. Mọi hành động đều có quy định rất nghiêm khắc. Nếu phạm lỗi nhỏ thì cung nữ có thể bị hoàng đế và các phi tần phạt đánh, phạt quỳ, thậm chí là ban cho cái chết.
Không chỉ hầu hạ các vị chủ tủ, cung nữ mới vào còn phải phục vụ và chịu sự quản lý của các cung nữ già. Tất cả công việc cá nhân hàng ngày của cung nữ già, như rửa mặt, chải đầu, rửa chân, tắm táp… đều do các cung nữ mới vào cáng đáng.
Nếu cung nữ trong quá trình phục vụ không phạm bất kỳ sai lầm lớn nào tới 25 tuổi người đó có thể xuất cung. Thế nhưng, rời cung không có nghĩa họ được giải thoát, ngược lại, “giông tố” lớn hơn còn đang chờ họ ở bên ngoài.
Ngoài làm những công việc nặng nhọc, nhiều cung nữ có tài thêu thùa, đàn hát... cũng được tuyển vào cung. (Ảnh minh họa: Sohu)
Khó hòa nhập cuộc sống mới
Trong cuốn tự truyện Nửa đời trước của tôi của Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc viết, các cung nữ sau khi bị đuổi khỏi cung đều không dám kết hôn. Họ chủ yếu sống phần đời còn lại của mình trong bi đát, nghèo túng chứ hiếm khi có trường hợp quay trở về làm thường dân hòa nhập được với xã hội.
Nguyên nhân là bởi thời xưa, triều đình thường tuyển chọn cung nữ là những thiếu nữ 13-14 tuổi, nhưng phải tới 25 tuổi họ mới được xuất cung. Thời bấy giờ, độ tuổi này là quá lứa lỡ thì do người xưa thường lấy chồng sinh con lúc 15 tuổi. Vì vậy, sau khi các cung nữ xuất cung, họ khó có thể tìm được 1 nam nhân độc thân, họ chỉ có 2 lựa chọn là trở thành vợ lẽ của người khác hoặc là ở vậy.
Nguyên nhân thứ hai là do sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau nhiều năm làm việc trong cung, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, khiến sức khỏe của các cung nữ kém đi nhiều. Hơn nữa, trong thời gian làm việc, họ khó tránh khỏi phạm phải sai lầm và chịu hình phạt đòn roi nặng nề để lại di chứng trên cơ thể. Thậm chí nhiều cung nữ còn mất đi khả năng sinh sản bởi những hình phạt tàn nhẫn. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ khó lấy chồng. Người Trung Quốc xưa rất xem trọng việc nối dõi tông đường, không có người đàn ông nào chấp nhận cưới một người vợ không thể sinh con.
Do phải làm việc nặng, giờ giấc đảo lộn nên khi xuất cung sức khỏe của cung nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Sohu)
Có cung nữ phải trở thành kỹ nữ thanh lâu để sống qua ngày. Hầu hết các cung nữ sau khi xuất cung đều cô độc cả đời. Việc cựu cung nữ bị người bên ngoài coi thường, khinh rẻ cũng không phải là hiếm. Vì vậy để có thể thành công tái hòa nhập cộng đồng là rất khó.
Thậm chí, những cung nữ lớn tuổi không có nhà để trở về còn buộc phải lưu lạc tha hương, sống cuộc đời khổ cực, không nơi nương tựa cho đến tận cuối đời.
Còn nguyên nhân khác là sống trong chốn thâm cung đại viện, cung nữ quen với những phép tắc hà khắc, quen với việc bị người khác điều khiển, không biết lựa chọn, không thể tự quyết định vận mệnh của mình. Điều này lâu dần để lại rất nhiều hạn chế về tính cách, khiến họ không thể hòa nhập với cuộc sống của người bình thường khi bước ra ngoài Tử Cấm Thành. Cũng nhiều trường hợp, các phi tần chủ động tìm chồng tốt cho cung nữ của mình trước khi họ xuất cung. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
Các cung nữ thời xưa được cho là nhóm người đáng thương nhất trong hậu cung. Dù là sống dưới sự sai bảo của người khác hay khi được trở về với gia đình, họ đều không thể hòa nhập với xã hội và phải chịu cảnh sống cô đơn, không nơi nương tựa cho đến tận cuối đời.