Nội dung trên được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề cập khi phát biểu tại cuộc làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày 25/9.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các ý kiến đóng góp tâm huyết của Bộ, ngành, chuyên gia và Nhân dân; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10), tập trung vào những vấn đề có cơ sở khoa học và thực tiễn.
"Cụ thể là, ngoài phạm vi đầu tư từ điểm đầu dự án là TP Hà Nội đến điểm cuối tại TP.HCM, cũng cần xem xét, nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau", Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải phải phân tích ưu điểm, lợi ích đầu tư toàn tuyến sẽ kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác so với đầu tư trước một số đoạn tuyến. Đánh giá hiệu quả của đường sắt tốc độ cao chuyên vận chuyển hành khách (hoặc kết hợp vận tải hàng hóa khi cần thiết) đối với cả nền kinh tế, chứ không giới hạn trong ngành đường sắt.
Bên cạnh đó, báo cáo tiền khả thi cần thể hiện được quan điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h "thẳng nhất có thể", "gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu".
Về hình thức triển khai đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm trong trường hợp coi toàn tuyến là một dự án hay có nhiều dự án thành phần; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn vốn Trung ương, địa phương một lần hay theo giai đoạn 5 năm một lần, sử dụng trái phiếu, ODA và các nguồn hợp pháp khác, tận dụng dư địa mức trần nợ công.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, Bộ Giao thông vận tải cần kiến nghị giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho địa phương về chuẩn bị mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ga…, còn Trung ương thống nhất quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn từ thiết kế, hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin, điều hành…
Đồng thời phân công nhiệm vụ cho doanh nghiệp tư nhân để huy động nguồn lực bên ngoài, từ quỹ đất hai bên tuyến đường sắt để giảm bớt chi phí, nguồn lực của nhà nước.
"Các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho đường sắt đô thị ở TP Hà Nội, TP.HCM cần được xem xét áp dụng cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua", Phó Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh trong dự án phải có cơ chế cho địa phương, doanh nghiệp tư nhân.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị.
Việc này cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn.
"Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa,… và các ngành công nghiệp khác phục vụ quốc kế, dân sinh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Gíao dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng và triển khai trước một bước công tác đào tạo nguồn nhân lực, để sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ, tự chủ công nghệ, thiết kế kỹ thuật, chế tạo trang thiết bị, vận hành, quản lý… trong ngành đường sắt.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nêu rõ mục tiêu cụ thể của dự án là phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.
Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội: tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TP.HCM: ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TP.HCM).
Dự án đi qua địa phận 20 địa phương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất: xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.