Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích quân sự cảnh báo đạn chùm Mỹ sản xuất có lẽ sẽ không giúp ích ngay lập tức cho Ukraine trong cuộc phản công hiện nay trước phòng tuyến kiên cố của Nga.
Mỹ hỗ trợ gấp Ukraine đạn chùm để thúc đẩy tiến độ phản công
"Quy mô tác động sẽ khá hạn chế", Jack Watling - học giả nghiên cứu cấp cao tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá.
Pháo binh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Ukraine. (Ảnh: New York Times)
"Nó sẽ khiến pháo binh Ukraine tăng tính sát thương một chút. Tác động thực sự sẽ được cảm nhận vào cuối năm nay khi Ukraine có thêm đáng kể đạn dược".
Colin H. Kahl - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách thừa nhận vào tuần trước rằng, không có vũ khí nào được coi là "viên đạn bạc" nhưng cho biết đạn chùm sẽ giúp Ukraine "duy trì cuộc chiến pháo binh trong tương lai gần".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cân nhắc quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine trong nhiều tháng qua. Đạn chùm, loại vũ khí bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia, sẽ rải rác những quả đạn nhỏ dọc chiến trường, có thể gây ra vết thương nghiêm trọng, thậm chí sau hàng thập kỷ xung đột kết thúc, nếu dân thường dẫm vào những quả đạn chưa phát nổ.
Tuần trước, Tổng thống Biden quyết định hỗ trợ Ukraine loại vũ khí này bởi vì Kiev đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng trong cuộc phản công Nga. Ông Biden cho biết, động thái tạm thời này sẽ giúp Ukraine cầm cự cho tới khi việc sản xuất đạn pháo theo quy ước được tăng cường.
Quyết định trên sẽ cho phép quân đội Ukraine có nhiều thời gian hơn để thăm dò điểm yếu của Nga dọc 3 tuyến tấn công chính. Theo đó, Kiev sẽ nã pháo vào pháo binh Nga, vốn đang tấn công các lực lượng tiến công của nước này, sau đó vượt qua các bãi mìn dày đặc, bẫy xe tăng và hàng rào phòng thủ của đối phương. Việc sử dụng đạn chùm cũng cho phép Ukraine tiến hành mục tiêu làm hao hụt lực lượng phòng thủ Nga.
"Có vẻ như họ đã quay lại cuộc đọ sức pháo binh", chuyên gia Amael Kotlarski thuộc công ty tình báo quốc phòng Janes đánh giá.
Ukraine bỏ lối đánh phương Tây, quay về chiến thuật cũ?
Tuy nhiên, hướng tiếp cận lấy pháo binh làm trung tâm này đặt câu hỏi về việc liệu có phải Ukraine đang mất tự tin vào chiến lược sử dụng phối hợp các lực lượng - đó là tấn công đồng thời bằng lực lượng bộ binh, pháo binh và xe bọc thép - điều mà 9 lữ đoàn mới được thành lập học hỏi từ các chuyên gia phương Tây trong những tháng gần đây.
Các quan chức phương Tây dự đoán, hướng triển khai này sẽ hiệu quả hơn chiến lược làm suy yếu các lực lượng Nga qua việc làm tiêu hao kho đạn dược của họ.
Dù vậy, các quan chức cấp cao Mỹ trong những tuần gần đây đã kín đáo bày tỏ sự thất vọng khi một số chỉ huy của Ukraine, hiện đang mất kiên nhẫn với nhịp độ chậm chạp của cuộc phản công và lo ngại thương vong gia tăng, đã quay về chiến thuật cũ kiểu Liên Xô. Đó là tiến hành các cuộc pháo kích càn quét, tức là bắn một loạt đạn liên tục nhằm vào hàng loạt các điểm dọc một tuyến chiến đấu, thay vì tiếp tục chiến lược của phương Tây để tăng sức ép nhằm xuyên thủng phòng tuyến Nga.
Khi được hỏi về những chỉ trích từ phía Mỹ, ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Ukraine - người cố vấn cho chính quyền Kiev đã trả lời rằng: "Tại sao họ không đến đây và tự mình thực hiện?”
Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng 9 lữ đoàn với khoảng 36.000 quân Ukraine sẽ thực hiện cách chiến đấu của Mỹ, đó là sử dụng chiến thuật phối hợp đồng thời các lực lượng và các trung đoàn với các binh lính được trao cho quyền hành động khi cần thiết, thay vì cấu trúc lấy chỉ huy làm trung tâm theo hướng tiếp cận của Nga.
"Điều này sẽ đẩy họ khỏi vùng an toàn một chút bởi họ sẽ phải triển khai hỏa lực và chiến đấu theo cách thức quen thuộc với các lực lượng NATO hơn là các lực lượng sử dụng học thuyết quân sự Liên Xô. Điều này yêu cầu họ phải chiến đấu theo cách hoàn toàn khác", ông Kahl nói.
Với nguồn cung đạn dược mới được cung cấp hiện nay, sức ép của Ukraine phải chiến đấu giống như các đội quân phương Tây đã giảm bớt. Tuy nhiên, ông Kahl và các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá về cuộc phản công và cách thức Ukraine tiến hành chiến dịch.
"Nó chậm hơn chúng ta kỳ vọng nhưng Ukraine vẫn còn nhiều khả năng chiến đấu", ông Kahl nói, cho biết các lực lượng chính của 9 lữ đoàn được phương Tây huấn luyện vẫn chưa bước vào chiến đấu và đang được giữ lại chờ thời điểm Ukraine dồn lực giáng đòn vào các phòng tuyến của Nga.
"Phép thử thực sự là khi họ tìm ra điểm yếu hoặc tạo ra các điểm yếu và xuyên thủng tuyến phòng thủ của đối phương, cũng như việc họ có thể khai thác khả năng chiến đấu của các lực lượng dự phòng thế nào và tốc độ phản ứng của Nga ra sao", ông Kahl đánh giá.
Đạn chùm có giúp Ukraine tạo nên khác biệt?
Các quan chức quân sự Mỹ và Ukraine từ chối tiết lộ Kiev sẽ sử dụng đạn chùm như thế nào, trong đó đạn pháo M864 cỡ nòng 155mm do Mỹ sản xuất có thể được phóng từ lựu pháo và giải phóng 72 quả lựu đạn nhỏ cùng lúc vào mục tiêu.
Mỹ từ chối tiết lộ sẽ cung cấp cho Ukraine các loại đạn chùm như nào. (Ảnh: Reuters)
"Tôi không nghĩ nó sẽ có hiệu quả ngay lập tức", Rob Lee, chuyên gia quân sự về Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Philadelphia, đồng thời là một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ cho hay. Ông Lee cho rằng Ukraine có thể sẽ cố gắng sử dụng đạn chùm gần một số khu vực trên tiền tuyến trải dài gần 1.000km mà ít tập trung lực lượng nước này để tránh rủi ro.
Mỹ sẽ làm việc với Ukraine để giảm thiểu tối đa các rủi ro trong quá trình sử dụng vũ khí này, Thứ trưởng Kahl cho biết. Đặc biệt, ông khẳng định, chính phủ Ukraine đã tuyên bố sẽ không sử dụng đạn chùm tại những khu vực đô thị đông dân cư.
"Đạn chùm sẽ chỉ được sử dụng trên những cánh đồng tập trung quân đội Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết trên Twitter vào tuần trước.
Theo ông: "Chúng sẽ được sử dụng để xuyên thủng phòng tuyến của đối phương với rủi ro tối thiểu cho tính mạng các binh lính của chúng tôi. Việc đảm bảo tính mạng cho họ, thậm chí cả trong các chiến dịch tấn công cực kỳ khó khăn, vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".
Mark F.Cancian, cựu chiến lược gia vũ khí của Nhà Trắng, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế ở Washington cho biết: "Đạn chùm không chỉ cung cấp đủ đạn để tiếp tục các cuôc khai hỏa cường độ cao mà còn có hiệu quả lớn hơn nhằm vào các mục tiêu như bộ binh, pháo binh và các đoàn xe tải". Đạn chùm đến tay Ukraine vào thời điểm nhịp độ tấn công của quân đội nước này đang chậm dần.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ vào tháng trước cho biết Ukraine đang "tiến công từ từ, thận trọng vượt qua các bãi mìn rất nguy hiểm". Ông nhận định, cuộc phản công giành lãnh thổ của Ukraine không diễn ra nhanh chóng như nhiều chuyên gia kỳ vọng "không khiến tôi ngạc nhiên".
Theo ông, nhịp độ phản công chậm của Ukraine là một phần bản chất chung của xung đột, song cảnh báo cuộc phản công này sẽ "rất đẫm máu". Trong khi phải tìm cách vượt qua các phòng tuyến kiên cố của Nga thì Ukraine không có ưu thế trên không và chỉ có nguồn cung pháo hạn chế.