Khái niệm về tài sản và tiêu sản được nhà văn Robert Kiyosaki nhắc tới lần đầu tiên trong cuốn sách vô cùng nổi tiếng của ông “Rich Dad, Poor Dad” (Bố giàu, Bố nghèo).
Tài sản là những gì bạn bỏ tiền ra để mua quyền sở hữu. Trong tương lai, chúng sẽ sinh lời và mang lại tiền cho bạn. Các loại tài sản bao gồm tiền mặt, tài sản cố định như nhà cửa, đất đai, máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông...hoặc tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương hiệu, phần mềm và dữ liệu.
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Trong đó, tài sản có thể là tài sản hiện có của người sở hữu hoặc tài sản được hình thành trong tương lai.
Một số ví dụ về tài sản như: Cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu... mua với giá trị ban đầu thấp, sau một thời gian tài sản tăng giá, mang lại lợi nhuận cho người sở hữu. Hay như nhà đất mua với giá trị thấp, sau một thời gian bất động sản tăng giá, chủ sở hữu bán ra để kiếm lời.
Tài sản và tiêu sản có đặc điểm hoàn toàn khác nhau. (Ảnh minh họa)
Tiêu sản là những thứ bỏ ra bằng tiền để mua và sở hữu. Tuy nhiên, sau khi mua tiêu sản bắt đầu giảm giá trị, không những thế chúng còn lấy đi thu nhập của bạn.
Đó có thể là tiền bảo trì, bảo dưỡng, chăm sóc, sửa chữa…Tiêu sản cũng có thể là những thứ mang lại thu nhập nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với chi phí ban đầu bỏ ra.
Ví dụ về tiêu sản như điện thoại, ô tô... Bởi, sau khi mua và sử dụng, điện thoại sẽ giảm giá trị, bán ra với giá rẻ hơn so với giá mua vào. Chưa hết, điện thoại thường có xu hướng bị giảm giá khi các phiên bản mới ra mắt.
Trong khi đó, nếu mua ô tô, chủ sở hữu phải bỏ các chi phí vận hành, bảo dưỡng, xăng xe, rửa và chăm sóc ô tô định kỳ.
Tài sản và tiêu sản là hai thuật ngữ trên thị trường tài chính, đều để chỉ những thứ cần bỏ tiền ra để sở hữu. Tuy nhiên, tài sản và tiêu sản có ý nghĩa cũng như đặc điểm hoàn toàn khác nhau.
Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa tài sản và tiêu sản là giá trị chúng mang lại cho chủ sở hữu trong tương lai. Nếu như tài sản giúp chủ sở hữu nâng cao thu nhập vì giá trị của chúng sẽ tăng dần lên, thì tiêu sản lại giảm dần giá trị, khiến tiền của người sở hữu tiêu giảm dần trong tương lai.
Chẳng hạn, nếu mua một chiếc xe sử dụng vào mục đích di chuyển hàng ngày, đáp ứng nhu cầu đi lại thì chiếc xe đó là tiêu sản. Thế nhưng, nếu chiếc xe được sử dụng vào mục đích kinh doanh, khoản thu được từ việc kinh doanh đủ bù đắp chi phí bảo dưỡng xe và mang lại lợi nhuận thì chiếc xe sẽ trở thành tài sản.
Tiêu sản là những thứ tốn tiền để sở hữu, song lại chẳng hề mang đến giá trị gì trong tương lai, thậm chí còn khiến chủ sở hữu tốn thêm các khoản phát sinh như chi phí bảo dưỡng, bảo hành định kỳ.
Tuy nhiên, không vì vậy mà chi tiêu cho tiêu sản lại là điều không cần thiết. Bởi tiêu sản là thứ phục vụ nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt như vui chơi, giải trí, giáo dục... Việc mua tiêu sản là để đảm bảo mức sống cho con người.
Thêm nữa, chi tiêu cho tiêu sản còn thúc đẩy cải thiện đời sống tâm lý, tinh thần, tạo tiền đề cho đầu tư kinh doanh, mua tài sản.
Như vậy, việc mua tiêu sản vô cùng cần thiết bởi không ai có thể loại bỏ tiêu sản ra khỏi đời sống con người. Dù vậy, mỗi người cần xác định rõ mục tiêu, nhu cầu và những giá trị thực tế để đầu tư vào tài sản hay tiêu sản.