Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phân biệt ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện

(VTC News) -

Ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi vừa tốt nghiệp.

Truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện là một trong những ngành học đang nhận về nhiều sự quan tâm của thí sinh. Đồng thời, đây cũng là hai ngành dễ bị nhầm lẫn trong quá trình định hướng nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay.

Để giúp các thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc chọn ngành, chọn trường trong thời gian tới, bài viết dưới đây giúp giải đáp thắc mắc ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện khác nhau thế nào?.

Ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện khác nhau không? (Ảnh minh họa)

Ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện khác nhau không?

Truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện là hai ngành học có sự tương tác lớn, đều mang đến vị trí việc làm trong lĩnh vực truyền thông.

Cả hai ngành này đều sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền tải thông tin, thông điệp truyền thông và mang đến sự ảnh hưởng trong nhận thức, suy nghĩ, hành động của công chúng. Tuy nhiên, truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện là hai ngành học có tính chất khác nhau.

Theo website Học viện Báo chí và Tuyên truyền, truyền thông đại chúng là ngành đào tạo kỹ năng sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm truyền thông đại chúng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông.

Trong khi đó, truyền thông đa phương tiện là ngành học đào tạo kỹ năng sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện, ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong truyền thông xã hội, quản trị website, các chương trình, chiến dịch truyền thông, thiết kế, thực hiện các dự án phát triển truyền thông đa phương tiện ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. 

Cơ hội việc làm cũng là khía cạnh để phân biệt hai ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện. Sinh viên ngành truyền thông đại chúng có cơ hội làm công việc như: chuyên viên sáng tạo nội dung, sản xuất sản phẩm truyền thông, quảng cáo, phụ trách kinh doanh, phát triển các dự án hợp tác, liên kết truyền thông, quản trị khủng hoảng, nghiên cứu, ứng dụng, tư vấn phát triển truyền thông.

Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện có thể đảm nhận vị trí như: Đạo diễn, biên kịch, chuyên viên sáng tạo nội dung số, biên tập viên sản phẩm truyền thông số, quảng cáo, marketing, truyền thông xã hội, quản trị website, quản lý chương trình, chiến dịch truyền thông, khởi nghiệp truyền thông...

Ngành truyền thông đa phương tiện có phạm vi ảnh hưởng lớn đến mọi người ở mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Còn truyền thông đại chúng chỉ ảnh hưởng một nhóm đối tượng cụ thể.

Những người trong ngành cũng thường phân biệt 2 ngành này qua câu nói “Trong một bức tranh thì truyền thông đại chúng được ví như một nét vẽ, còn truyền thông đa phương tiện tượng trưng là những mảng màu’’. Cụ thể hơn, trong một công việc, truyền thông đại chúng sẽ lên nội dung, kế hoạch chung, còn truyền thông đa phương tiện sẽ hoàn thiện theo lối mà truyền thông đại chúng ‘’vẽ’’ ra. 

Các tổ hợp xét tuyển ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện

Với ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện, bạn có thể sử dụng các khối thi sau để đăng ký xét tuyển. Mỗi trường sẽ sử dụng một tổ hợp khác nhau nên trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng, bạn cần phải tìm hiểu thông tin chi tiết về thông tin tuyển sinh của ngôi trường mà bạn muốn theo học.

  • A00: Toán, Lý, Hóa
  • A01: Toán, Lý, Anh
  • A16: Toán, Văn, Khoa học tự nhiên
  • C00: Văn, Sử, Địa
  • C15: Toán, Văn, Khoa học xã hội
  • D01: Toán, Văn, Anh
  • D03: Toán, Văn, tiếng Pháp
  • D04: Toán, Văn, tiếng Trung
  • R22: Toán, Văn, điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh

Ngành truyền thông đa phương tiện đang được nhiều trường đại học trên cả nước tuyển sinh. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin, chương trình đào tạo ngành này của một số trường như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Phụ nữ Việt Nam, trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Công nghệ TP.HCM, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Trong khi đó, ngành truyền thông đại chúng chỉ có duy nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh và đào tạo. Năm 2023, trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành học này khối D01, R22 là 26,65 điểm, A16 lấy 26,15 điểm và C15 lấy 27,9 điểm.

Anh Anh (Tổng hợp)

Tin mới