Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phạm Xuân Ẩn qua mặt chính quyền Ngô Đình Diệm thế nào?

(VTC News) – Sau khi trở về Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn kết thân với trùm mật vụ - ‘bác sỹ’ Trần Kim Tuyến, đồng minh thân cận của Ngô Đình Nhu.

(VTC News) – Sau khi trở về Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn kết thân với trùm mật vụ - ‘bác sỹ’ Trần Kim Tuyến, đồng minh thân cận của Ngô Đình Nhu.

Trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 9 năm 1959 sau hai năm sống ở Mỹ, nỗi sợ lớn nhất của Ẩn là vừa ra khỏi máy bay đã bị bắt đưa đi và rồi vĩnh viễn biến mất.

Ẩn sắp xếp để cả gia đình ra đón ông tại phi trường, bởi ông tính toán rằng trong trường hợp mình bị bắt, nếu có nhân chứng thì sẽ tốt hơn. ‘Khi gia đình ra đón ở sân bay, ít nhất má tôi cũng biết được việc tôi biến mất’, ông Ẩn nói với tôi.

Rất nhiều đồng đội của ông đã bị bỏ tù. Ẩn không biết là liệu những người kia có khai ra tên ông hay không. Đáng lo nhất là việc cấp trên trực tiếp của ông là Mười Hương đã bị bắt vào năm 1958 và đang nằm bóc lịch trong nhà lao Chín Hầm.

Mười Hương là người sáng lập mạng lưới tình báo chiến lược của Cộng sản ở miền Nam. Ông chính là người đã chiêu mộ Ẩn vào mạng lưới này và sau đó điều Ẩn sang Mỹ.

Giữa lúc người nhà chạy tới chạy lui, Ẩn nhìn quanh để xem có cảnh sát hay không, nhưng không thấy ai tiến tới bắt ông cả. Bởi không nắm bắt được tình hình nên Ẩn ở nhà suốt một tháng, sợ rằng nếu ra ngoài một mình, ông có thể bị bắt.

Phần lớn thời gian trong ngày, Ẩn đứng nhìn qua cửa sổ để xem có ai theo dõi hay không, sau một thời gian, ông thận trọng lên một kế hoạch để thăm dò.

Ông gửi một lời nhắn tới bác sỹ Trần Kim Tuyến, người đã giúp ông làm thủ tục thị thực hai năm về trước và là đồng minh thân cận của Ngô Đình Nhu, em trai ông Diệm: ‘Tôi vừa kết thúc khóa học ở Mỹ trở về và đang cần việc làm. Ông có gì cho tôi làm không?’

Theo tính toán của Ẩn, nếu ông là mục tiêu bắt giữ, bác sỹ Tuyến sẽ không bao giờ bố trí việc làm cho ông bởi Tuyến chính là người giữ sổ đen Việt Cộng.

Thân hình nhỏ bé với cân nặng chưa đầy một trăm kg, Tuyến ‘luôn có vẻ điềm tĩnh và e dè của một nhà nho’ như miêu tả của William Colby.

Tuy nhiên, dưới bề mặt trầm lặng ấy, Tuyến là một người chống Cộng hăng hái, một nhà hoạch định và là kẻ bày mưu đảo chính bậc thầy.

Tuyến từng học ngành y nhưng chưa bao giờ làm bác sỹ, dù vậy, quyền lực ông ta lớn tới mức ai cũng phải gọi ông ta là ‘Bác sỹ’. Ông ta chỉ tin tưởng một số ít những người bạn chống Cộng trung thành trong tổ chức của mình.

Bác sỹ Tuyến thấy rằng chiêu mộ một người học hành ở Mỹ như Ẩn cho chính quyền Diệm là rất đáng giá. Ông ta liền bố trí cho Ẩn một chân nhân viên trong văn phòng tổng thống, vị trí mà Ẩn có thể tiếp cận các hồ sơ của quân đội, Quốc hội và hầu như của mọi tổ chức tại miền Nam Việt Nam.

Nhưng chẳng bao lâu sau, Tuyến tìm ra một cách sử dụng tốt hơn đối với nhân vật thân tín mới của ông ta, người cũng vừa xin Tuyến bố trí một công việc phù hợp với ngành học báo chí của mình. Tuyến liền cho Ẩn tới gặp Nguyễn Thái, Tổng giám đốc Việt Tấn xã, cơ quan báo chí chính thức của chính quyền.

Phạm Xuân Ẩn trong một bữa tối công vụ tại Việt Tấn Xã - nguồn: Tư liệu cá nhân của Phạm Xuân Ẩn 
Trong số hàng ngàn bản tin được các hãng thông tấn quốc tế lớn cung cấp mỗi ngày, Việt Tấn xã chọn những thứ phù hợp về mặt chính trị để dịch sang tiếng Việt và đăng tải, coi như là quan điểm chính thức của chính quyền Diệm.

‘Việt Tấn xã hoạt động như một bộ máy kiểm duyệt các tin tức quốc tế được chọn lựa cho người đọc trong nước’,
Thái giải thích. ‘Các bản tin của Việt Tấn xã được sử dụng trong tất cả các chương trình của mạng lưới phát thanh quốc gia’.

Tương tự Ẩn, Thái học ở Mỹ, và tại đây ông đã lần đầu tiên gặp Ngô Đình Diệm vào tháng 6 năm 1952 tại một hội nghị dành cho sinh viên Công giáo.

Thái là chủ tịch Hội Sinh viên Công giáo tại Mỹ và sau cuộc gặp, Diệm thường xuyên gửi thư cho Thái để phân tích tình hình chính trị tại Việt Nam cũng như đánh giá cơ hội nắm quyền của chính mình.

Sau đó Thái tới thăm Diệm tại Tu viện Marknoll ở Lakewood, New Jersey, và sắp xếp để Diệm có một buổi thỉnh giảng tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell.

Khi Diệm trở về Sài Gòn vào năm 1954, ông đánh một bức điện tới Đại học bang Michigan mời Thái về Việt Nam để giúp xây dựng một miền Nam độc lập. Thái nhanh chóng trở thành chủ bút và tổng biên tập của tờ Thời báo Việt Nam, và vào tháng 5 năm 1957, Diệm bổ nhiệm ông làm Tổng giám đốc Việt Tấn xã.

Ở vị trí này, Thái nắm được nhiều bí mật của chính quyền Diệm. ‘Gần như mỗi ngày, Tổng thống đều trực tiếp yêu cầu tôi theo sát các thông tin đặc biệt và sau đó ‘chế biến’ theo cách này hoặc cách khác vì những lý do chính trị đặc biệt.

Thông tin là quyền lực, và nó phải được sử dụng để phục vụ những người độc quyền về thông tin’
. Một trong những người tìm cách kiểm soát thông tin là bác sỹ Tuyến.

‘Không hiếm khi tôi nghe Tuyến nói rằng một phiên tòa chính trị quan trọng nào đó sẽ được tòa án tại Sài Gòn xét xử và tuyên mức án nào hoặc là một sự kiện nào đó sẽ xảy ra trong một ngày cụ thể nào đó (chẳng hạn xảy ra biểu tình hoặc lục soát trụ sở một tờ báo đối lập hoặc một cuộc bầu cử) và sẽ là ‘thích hợp’ để Việt Tấn xã đăng tải những thông tin liên quan theo chiều hướng này hoặc chiều hướng khác, nhằm phục vụ cho lợi ích của chính quyền Diệm’, Thái nhớ lại.

Trần Kim Tuyến muốn Ẩn làm việc cho Việt Tấn xã để ông ta có thể kiểm soát Nguyễn Thái, nhưng Nguyễn Thái cũng muốn Ẩn làm việc cho mình:

‘Ông ấy là nhân viên đầu tiên của Việt Tấn xã được đào tạo báo chí tại Mỹ và thông thạo tiếng Anh. Bên cạnh đó, tôi cần một phóng viên có thể phụ trách mảng tin tức văn phòng tổng thống và đây là một nhiệm vụ rất nhạy cảm. Tôi cũng nhận thấy Ẩn rất thạo tin và có quan hệ rộng’, ông Thái kể.

‘Dường như ông ta quen tất cả các nhân vật quan trọng tại Nam Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ khoe khoang về điều đó. Khiếu hài hước và đầu óc dí dỏm khiến cho ông ta rất dễ mến.

Ẩn là bồ ruột của cánh nhà báo quốc tế tại Sài Gòn, những người cũng đánh giá rất cao ông ta và luôn sẵn sàng coi Ẩn là một người Nam Việt Nam vĩ đại.

Nhưng rồi ông ta không ở lại lâu bởi có những đề nghị hấp dẫn hơn từ các hãng thông tấn và tờ báo nước ngoài. Tất cả họ đều đánh giá cao kiến thức bách khoa của ông ta về chính trị Việt Nam và các mối quan hệ rộng rãi trong nước’.


Thời gian làm việc cho Việt Tấn xã, Ẩn đã thể hiện một 'phong cách chuyên nghiệp' mà theo ông đã trở thành đặc điểm xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của ông. Bác sỹ Tuyến có kế hoạch sử dụng Việt Tấn xã làm vỏ bọc cho các điệp viên của ông ta xuất ngoại.

Ông ta chỉ đạo cho Thái huấn luyện những điệp viên này một vài kỹ năng báo chí trước khi cử họ đi New Delhi, Djakarta và Cairo để làm gián điệp. Thái phản đối kịch liệt nhưng Tuyến bảo rằng đây là mệnh lệnh của Nhu nên Thái chẳng còn lựa chọn nào khác.

Thái quyết định cử Ẩn phụ trách công tác đào tạo cho điệp viên của Tuyến. Lựa chọn này không chỉ bởi Ẩn tốt nghiệp trường báo chí, mà ông còn là người có quan hệ tốt với Tuyến.

Khi thấy mấy nhân viên của Tuyến học tập không nghiêm túc, Ẩn đã tới gặp trực tiếp Tuyến: ‘Ông xem đấy. Tôi sẽ không huấn luyện họ nữa trừ khi ông chỉ cho họ thấy tầm quan trọng của việc tạo ra vỏ bọc, bởi vì họ sẽ bị bắt ngay nếu không học nghề này cho đàng hoàng’, sau này Ẩn nhớ lại.

‘Họ cần phải chú ý chi tiết, biết cách thức nộp một bài viết, phỏng vấn và phát triển nguồn tin. Nếu họ không học nghề này, họ sẽ bị bắt và lúc đó thì ông cũng mệt đấy’.


Những điệp viên kia lập tức quay trở lại Việt Tấn xã theo mệnh lệnh của Tuyến là phải tham gia chương trình huấn luyện báo chí một cách nghiêm túc.

Thế là Phạm Xuân Ẩn, bản thân vốn là điệp viên Cộng sản, giờ lại đang huấn luyện cách thức tạo vỏ bọc cho các điệp viên chống Cộng của bác sỹ Tuyến. Tại Việt Nam, đây là chuyện vô tiền khoáng hậu.

Như Thái dự đoán, Ẩn không ở lại Việt Tấn xã lâu, mà chuyển tới hãng tin Anh Reuters, cộng tác với phóng viên người Úc Peter Smark, người có văn phòng làm việc đặt ngay trong khu tổng hành dinh của Việt Tấn xã…
Một trong rất nhiều thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn 
Như vậy, trong vòng một năm sau khi từ Mỹ trở về, Ẩn đã kết thân với bác sỹ Trần Kim Tuyến, làm nhân viên trong khu vực văn phòng tổng thống, trở thành bạn của Nguyễn Thái tại Việt Tấn xã, rồi chuyển tới làm việc cho Reuters.

Nick Turner, phóng viên người New Zealand đã thay thế Smark làm trưởng văn phòng Reuters vào tháng 5 năm 1962, về sau đã viết: ‘Một trong những lợi thế nữa mà tôi có được đó là người trợ lý Việt của tôi, ông Phạm Xuân Ẩn.

Tất cả chúng tôi đều phải dựa dẫm rất nhiều vào các trợ lý người Việt, họ làm biên dịch, thông dịch về tình hình chính trị Việt Nam cũng như những diễn tiến của cuộc chiến quân sự. Người trợ lý của tôi được đánh giá là xuất sắc nhất Sài Gòn, rất thạo tin và sắc sảo.

Ông ta là sỹ quan tình báo của tôi. Sau này thì người ta mới biết được ông ta cũng là sỹ quan tình báo của Việt Cộng, với cấp hàm đại tá. Làm việc cho Reuters tạo cho ông ta một vỏ bọc hoàn hảo để đi lại lấy thông tin’.


Trên thực tế, nhiệm vụ của ông với tư cách là một điệp viên chiến lược khi ấy mới sắp sửa bắt đầu. Ông sẽ sử dụng tất cả những mối quan hệ với các nhân vật chống Cộng nổi trội cũng như tất cả các kỹ năng xã hội từng học được tại Trường Orange Coast để có thể tiếp cận được các tài liệu, các buổi thông báo tin tức qua đó nắm được chìa khóa để đối phó với chiến thuật mới của Mỹ tại Việt Nam.

(còn nữa)

Kỳ 5: Nghề điệp viên đơn độc như con sói, và luôn mang theo một viên thuốc độc

Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6

Nguồn:

Tin mới